Cách đây 40 năm, ngày 29/3/1975, lá cờ Quyết chiến, Quyết thắng của quân và dân ta đã tung bay trên nóc Toà Thị chính và Trụ sở chỉ huy Quân đoàn I Quân lực Việt Nam Cộng hoà, đánh dấu một sự kiện lịch sử trọng đại - giải phóng thành phố Đà Nẵng.
40 năm sau ngày giải phóng, 18 năm trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã bứt phá mạnh mẽ, vươn lên trở thành đô thị đầu tàu ở khu vực miền Trung. Khát vọng xây dựng một thành phố “văn minh, hiện đại, thân thiện, an bình, hấp dẫn và đáng sống” của chính quyền và người dân Đà Nẵng đang dần hiện thực.
Đúng dịp kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng quê hương, người Đà Nẵng lại ghi thêm một mốc son về sự đột phá trong xây dựng công trình kiến trúc thành phố. Công trình “Nút giao thông khác mức Ngã ba Huế” 3 tầng đầu tiên ở Việt Nam khánh thành đưa vào sử dụng. Đây được xem là “công trình không ngủ”, khi hàng nghìn công nhân, kỹ sư phải làm việc suốt ngày đêm trong 18 tháng liền.
Công trình Nút giao thông khác mức Ngã 3 Huế - Đà Nẵng (Ảnh: Hải Sơn)
Công trình không chỉ xóa bỏ “điểm đen” về ùn tắc, tai nạn giao thông mà tạo ra một cảnh quan, một điểm nhấn kiến trúc nghệ thuật độc đáo ở cửa ngõ vào trung tâm thành phố. Công trình còn thể hiện khát vọng luôn đổi mới và vươn lên của một thành phố trẻ.
Để có một công trình hoành tráng, hơn 450 hộ dân đồng thuận giải tỏa, nhường đất. Ngày triển khai dự án, ông Nguyễn Văn Cổn, ở quận Thanh Khê không hề đắn đo, sẵn sàng nhường đất mặt tiền đường lớn - Điện Biên Phủ về nơi ở mới, để thành phố ngày một tươi mới. Bây giờ, đi trên cây cầu vượt bề thế, nhìn phố xá thênh thang, rộng mở, ông Cổn thấy yêu hơn quê mình.
Những ngày này, thành phố Đà Nẵng rợp trời sắc đỏ của cờ Tổ quốc, băng rôn, khẩu hiệu mừng 40 năm ngày giải phóng. Cựu chiến binh, đại tá Lê Công Thạnh, Nguyên phó Chính ủy Mặt trận 4 Quảng Đà bùi ngùi nhớ lại khoảnh khắc ngày này 40 năm trước. Cả thành phố vỡ òa trong niềm vui khi đúng 15h ngày 29/3/1975, lá cờ Quyết chiến, Quyết thắng của quân và dân ta đã tung bay trên nóc Toà Thị chính và trụ sở chỉ huy quân đoàn I - Quân lực Việt Nam Cộng hòa, đánh dấu sự kiện lịch sử trọng đại - thành phố Đà Nẵng hoàn toàn giải phóng.
Từ các ngã đường, quân giải phóng tiến vào trung tâm trong tiếng vỗ tay, reo hò vang dậy của hàng vạn đồng bào. Nhiều bà mẹ ôm lấy chặt bộ đội mà khóc vì sung sướng cảm động như ôm những đứa con yêu lâu ngày trở về. Bây giờ, cựu chiến binh Lê Công Thạnh đã gần tuổi 90, sức yếu nhưng mỗi lần nghe khánh thành một công trình, một cây cầu, hay con đường mới mở ra, ông Thạnh luôn có mặt để được chứng kiến quê mình đổi thay.
“Từ một thành phố đổ nát của chế độ cũ phục vụ chiến tranh, dân sống quá cùng cực. Nhưng đến bây giờ, thành phố đã có sự đổi thay quá tuyệt vời”, cựu chiến binh Lê Công Thạch bùi ngùi.
Đà Nẵng đang chuyển mình mạnh mẽ, trở thành đô thị văn minh, hiện đại bậc nhất miền Trung. Thành phố thực sự bứt phá đi lên, tạo dấu ấn mạnh kể từ khi tách ra khỏi tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương vào năm 1997. Từ đây, một cuộc “cách mạng” trong chỉnh trang đô thị đã biến thành phố này thành một đại công trường. Hơn 100.000 hộ dân đồng thuận giải tỏa vì một Đà Nẵng tươi mới, hiện đại văn minh.
Cầu quay Sông Hàn, nối đôi bờ Đông - Tây sông Hàn là cú hích mạnh mẽ, tạo bước đột phá trong chủ trương “Mở rộng không gian đô thị” của Đà Nẵng. Đến nay, thành phố này đã có 9 cây cầu mới, hiện đại, lung linh dưới ánh đèn khi về đêm. Từ chỗ “quay lưng” với biển, Đà Nẵng đã hướng ra biển. Diện tích đô thị nay đã tăng lên gấp 5 lần.
Ông Shinichi Iwama, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Đà Nẵng cho biết: “Đà Nẵng có vị trí rất thuận lợi, cơ sở hạ tầng hoàn thiện, là môi trường đầu tư rất tốt. Điều quan trọng là lãnh đạo thành phố rất cầu thị và biết quan tâm, lắng nghe nhà đầu tư. Con người Đà Nẵng cũng thân thiện. Gắn bó với thành phố này nhiều năm, tôi chứng kiến sự thay đổi, phát triển của Đà Nẵng hơn những gì tôi tưởng”.
Những thành tựu của Đà Nẵng ngoài sự đồng thuận của người dân cần phải kể đến tầm chiến lược cùng sự điều hành năng động, quyết đoán của các thế hệ lãnh đạo thành phố này. Thành phố Đà Nẵng đặt ra mục tiêu “phấn đấu đến năm 2020 trở thành một thành phố công nghiệp, môi trường đô thị văn minh, hài hòa, thân thiện, an bình, một thành phố hấp dẫn và đáng sống”.
Ông Trần Thọ, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho rằng, một ngôi nhà đươc xây dựng rất đẹp, bề thế thì các thành viên trong ngôi nhà ấy cần sống vui vẻ, đầm ấm, thân thiện, hạnh phúc, xứng đáng, phù hợp với ngôi nhà ấy. Vì vậy, mỗi người Đà Nẵng trong mắt bạn bè là một người thân thiện, chân thành và hiếu khách.
Đà Nẵng, mảnh đất anh dũng, kiên trường trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. 40 năm trong thời kỳ hòa bình, dựng xây quê hương, người Đà Nẵng đang viết thêm một trang mới vào lịch sử truyền thống của quê hương mình. Người Đà Nẵng xứng đáng được bạn bè ngợi khen, ngưỡng vọng và có quyền tự hào về những kỳ tích đạt được hôm nay./.