Rất khó để đóng cửa bệnh viện, bãi rác gây ô nhiễm nghiêm trọng
Ngày 18/12, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo liên ngành xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tổ chức cuộc họp báo cáo kết quả triển khai theo Quyết định số 1788/QĐ TTg ngày 1/10/2013. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo, nhờ những nỗ lực từ TƯ và địa phương, trong tổng số 435 cơ sở bị “bêu tên” theo quyết định số 1788, đến nay đã hoàn thành xử lý triệt để 353 cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng, chiếm tỉ lệ 81,15%. Hiện cả nước còn 82 cơ sở đang thực hiện các biện pháp xử lý triệt để. Còn có 32/50 địa phương hoàn thành trên 70% việc xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 1788.
Ông Nguyễn Thượng Hiền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (bộ TN&MT) cho rằng: “82 cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng chưa xử lý được đều là các công trình công ích, chủ yếu là cụm công nghiệp, các bệnh viện, các bãi rác vô chủ, cơ sở giáo dưỡng. Rất khó trong việc xử lý hay như đóng cửa các cơ sở công ích gây ô nhiễm nghiêm trọng như bệnh viện và bãi rác, vì lý do đó nên một vài địa phương chưa vào cuộc quyết liệt để xử lý dứt điểm vấn đề này”.
Theo ông Hiền, Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo, Văn phòng Ban Chỉ đạo thực hiện kế hoạch các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng chưa được ban hành từ khi có Quyết định số 1788 làm ảnh hưởng đến hiệu quả của Ban Chỉ đạo. Chậm ban hành các hướng dẫn cụ thể về tiêu chí xác định cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và hướng dẫn việc kiểm tra, đánh giá kết quả và xác nhận hoàn thành các biện pháp xử lý triệt để ô nhiễm môi trường tại các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Một số địa phương chưa quan tâm thực hiện tốt chế độ báo cáo hay báo cáo chưa đảm bảo chất lượng dẫn đến việc tổng hợp được tiến độ xử lý triệt để của các cơ sở còn gặp nhiều khó khăn như Bắc Ninh, Thanh Hóa,…
Theo Kế hoạch triển khai Quyết định số 1788 được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn đến năm 2015: Tập trung xử lý triệt để, dứt điểm 229 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã được phê duyệt danh mục và biện pháp xử lý gồm: 13 cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ chưa hoàn thành xử lý triệt để theo quyết Quyết định số 64/2003/2014; 20 bãi rác , 10 bệnh viện chưa hoàn thành xử lý triệt để theo cấp tỉnh quản lý; 5 bệnh viện trực thuộc các Bộ, 42 bệnh viện tuyến Trung ương và tuyến tỉnh, 2 bệnh viện tư nhân, 21 trung tâm chữa bệnh, giáo dục, lao động – xã hội, trung tâm bảo trợ xã hội và 108 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã được phê duyệt bổ sung, hoàn thành trước 31/12/2015; Giai đoạn 2 đến năm 2020: Tập trung xử lý triệt để , dứt điểm 249 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã được phê duyệt danh mục và biện pháp xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mới phát sinh, phấn đấu đến năm 2020 không còn cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, trong đó: 107 bãi rác, 121 bệnh viện và 21 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và cơ sở khác. |
Xử lý nghiêm người đứng đầu cơ sở công ích gây ô nhiễm nghiêm trọng
Góp ý trong bản báo cáo về việc xử lý dứt điểm các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng, các thành viên trong Ban Chỉ đạo như Đại diện Bộ Công thương, Bộ Công an, bộ Khoa học Công nghệ, đưa ra quan điểm cần xử lý nghiêm người đứng đầu những cơ sở công ích đã được hỗ trợ kinh phí nhưng chậm triển khai, hoàn thành hoặc tiếp tục gây ô nhiễm.
Ngoài ra, cần công khai các cơ sở ô nhiễm chậm hoặc chưa xử lý xong, chỉ ra nguyên nhân để đưa ra giải pháp giải quyết dứt điểm. Cập nhật những cơ sở đã hoàn thiện việc xử lý ô nhiễm để động viên, khích lệ những đơn vị này để làm tốt hơn.
Phát biểu tổng kết cuộc họp, Thứ trưởng bộ TN&MT - Võ Tuấn Nhân cho rằng: “Sau 7 thực hiện, vẫn còn 44 bãi rác, 17 cơ sở sản xuất kinh doanh, Khu, Cụm Công nghiệp, 16 cơ sở khám chữa bệnh và 5 cơ sở giáo dưỡng, lao động và xã hội vẫn chưa hoàn thành việc xử lý triệt để ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Trong thời gian tới cần nghiêm túc rà soát kĩ lại, tăng cường công tác thanh - kiểm tra để xử lý dứt điểm các cơ sở gây ô nhiễm nhất là 82 cơ sở công ích gây ô nhiễm nghiêm trọng chưa xử lý được theo QĐ1788. Nếu có những vướng mắc còn tồn tại thì chỉ rõ nguyên nhân, nghiên cứu, đề xuất phương án, giải pháp, thậm chí ra các văn bản hướng dẫn các địa phương để xử lý dứt điểm vấn đề này”.
Ngoài ra, theo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cần nghiên cứu cơ chế chính sách, khả năng ngân sách, các nguồn vốn như ODA để tháo gỡ khó khăn, thu hút xử lý triệt để các cơ sở còn gây ô nhiễm nghiêm trọng trong QĐ1788. Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật. VOV, VTV và các cơ quan truyền thông công khai tình hình xử lý các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Các địa phương có liên quan đến 17 cơ sở sản xuất kinh doanh, Khu, Cụm Công nghiệp có trách nhiệm đôn đốc, thanh – kiểm tra – xử lý nghiêm. Kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở này nhất là các doanh nghiệp chưa hoàn thành các biện pháp xử lý triệt để theo đúng tiến độ đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
Các địa phương có liên quan đến 65 cơ sở công ích (44 bãi rác, 16 cơ sở khám chữa bệnh và 5 cơ sở giáo dưỡng, lao động và xã hội) sử dụng kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương để triển khai xử lý dứt điểm, không để tình trạng chậm tiến độ xử lý kéo dài.
“Vẫn còn nhiều bộ, ngành và địa phương còn chưa ủng hộ việc làm này, cần xác định rõ ai làm tốt, ai chưa làm tốt để báo cáo Thủ tướng. Không thể cứ nói chung chung, xác định rõ nguyên nhân chưa làm được để rút ra bài học”, Thứ trưởng Nhân nhấn mạnh./.
Danh sách 82 cơ sở chưa hoàn thành việc xử lý triệt để ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg. Bãi rác:Gia Lai (10), Đắk Nông (6), Hà Giang (3), An Giang (3), Thừa Thiên Huế (3), Long An (2), Sóc Trăng (2), Cà Mau (2), Đồng Tháp (2), Bình Thuận (1), Đắk Lắk, Hà Tĩnh (1), Hậu Giang (1), Kon Tum (1), Nghệ An (1), Ninh Bình (1), Phú Thọ (1), Quảng Bình (1), Quảng Trị (1), Yên Bái (1). Sản xuất kinh doanh, Khu , Cụm Công nghiệp:Quảng Trị (8), Bắc Ninh (2), Bình Thuận (1), Đắk Nông (1), Long An (1), Nghệ An (1), Quảng Bình (1), Trà Vinh (1), Yên Bái (1). Khám chữa bệnh:Thanh Hóa (5), Hà Nam (4), Lào Cai (3), Hà Giang (2), Thừa Thiên Huế (1), Gia Lai (1). Cơ sở giáo dưỡng, lao động và xã hội:Hà Giang (2), Lào Cai (2), Nghệ An (1). |