Qua một năm nhiều khó khăn, thách thức, nền nông nghiệp Việt Nam, đặc biệt ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vẫn phát huy hiệu quả tích cực. Với hơn 12% diện tích của cả nước, hàng năm đồng bằng sông Cửu Long cung cấp hơn 50% tổng sản lượng lúa gạo, 90% lượng gạo, khoảng 65% lượng thủy sản phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả phấn khởi thì nông nghiệp, nông thôn và nông dân ở khu vực này vẫn còn nhiều trăn trở. Do đó, vùng đất “chín rồng” luôn đeo đuổi mục tiêu làm sao để “tam nông” khu vực này vững bước phát triển cùng cả nước.

SCL1.jpg

Đồng bằng sông Cửu Long cung cấp hơn 50% tổng sản lượng lúa cả nước (Ảnh: SGTT)

Một nắng hai sương làm ra hạt lúa nhưng đời sống của nông dân Đồng bằng sông Cửu Long còn gặp nhiều khó khăn. Với sản lượng lúa gạo lớn nhất, sản lượng cây ăn trái lớn nhất, nuôi trồng thủy sản lớn nhất, nhưng sự đổi thay từ người làm ra là nông dân - vẫn còn nhiều bấp bênh.

Mặt khác, nhiều năm qua, người nông dân vẫn thiếu chủ động trong sản xuất, còn lệ thuộc thời tiết, nặng về khai thác điều kiện tự nhiên thuận lợi của vùng, hàm lượng chất xám trong nông sản hàng hoá chưa cao, dẫn đến tính cạnh tranh và giá trị gia tăng của lúa gạo, trái cây, cá da trơn chưa tương xứng tiềm năng.

Ông Nguyễn Phong Quang, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam bộ cho rằng: “Bây giờ phải đặt nhiều trăn trở làm sao để người dân thoát nghèo. Bởi trúng mùa thì mất giá và ngược lại, cứ diễn ra. Do đó rất cần vai trò quan trọng của Nhà nước mới có thể giải quyết được vấn đề này”.

Bắt tay vào nghiên cứu những thách thức hàng đầu khi triển khai thực hiện nghị quyết tam nông, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ đã nhận diện 10 thách thức trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở khu vực này. Trong đó tập trung vào các vấn đề về rào cản kỹ thuật, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm; thách thức của phát triển bền vững khi sản lượng lúa gạo, trái cây, cá da trơn, tôm tăng nhanh, xuất khẩu ngày càng nhiều, nhưng thu nhập nông dân tăng chưa tương xứng; thách thức về phát huy tiềm năng, lợi thế khi còn thiếu liên kết vùng, đầu tư chưa đồng bộ, hay liên kết vùng và vai trò tham gia “4 nhà” còn lỏng lẻo khi giải quyết các thách thức của vùng.

Về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Văn Sánh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Đồng bằng sông Cửu Long đề nghị: “Thực hiện liên kết vùng là rất quan trọng, để làm sao tạo sự chuyển biến của khu vực nhanh chóng hơn. Trong đó có nhiều vấn đề phải thực hiện  như công tác quy hoạch. Và Chính phủ cũng phải có những cơ chế chính sách để tạo cho vùng phát triển”.

Điều đáng mừng ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong năm qua là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng các địa phương, đã tập trung mọi giải pháp để nâng chất lượng hạt gạo và tiến tới xây dựng thương hiệu; đồng thời nâng cao thu nhập của người dân trồng lúa, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã phát động thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đây chính là điểm tựa để triển khai đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Dự kiến trong năm nay, phấn đấu diện tích sản xuất trong cánh đồng mẫu lớn đạt khoảng 50.000ha. Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, đây là mô hình cần nhân rộng để giúp nông dân Đồng bằng sông Cửu Long thoát nghèo, vươn lên phát triển.

Về vấn đề này, Giáo sư-Tiến sĩ Bùi Chí Bửu, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đánh giá: “Chúng ta đã từng thực hiện nhiều mô hình, nhưng có lẽ mô hình cánh đồng mẫu lớn đang thực hiện cho thấy, nông dân tiếp cận với công nghiệp hóa – hiện đại hóa nhanh, bền vững. Do đó, việc phát triển mô hình trong tương lai là điều phải làm”.

Phát huy lợi thế sẵn có, các tỉnh, thành trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang chuẩn bị cho cuộc đổi mới thật sự ở nông thôn và góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 26 về “tam nông”. Và hơn lúc nào hết, trong năm mới Nhâm Thìn 2012, người dân vùng Châu thổ Cửu Long đang quyết tâm cùng cả nước đưa thế mạnh nông nghiệp lên một tầm cao mới để phục vụ cho sự ấm no, phồn thịnh./.