Phát biểu tại hội thảo tham vấn dự thảo báo cáo tổng kết 15 năm thi hành Luật Bình đẳng giới diễn ra ngày 16/8, ông Lê Khánh Lương, Quyền Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, sau 15 năm thi hành, Luật Bình đẳng giới đã bộc lộ một số tồn tại, vướng mắc, không theo kịp sự phát triển của đời sống kinh tế - xã hội.
“Khái niệm về bình đẳng giới dựa trên cách tiếp cận nhị nguyên giới là nam và nữ, chưa bao gồm vấn đề xu hướng tính dục, bản dạng giới và biểu hiện giới. Chính vì thế, luật chưa hướng được bình đẳng ngay trong cùng một giới (giữa các xu hướng tính dục, bản dạng giới) hoặc các biểu hiện giới khác nhau. Điều này dẫn đến sự kỳ thị, phân biệt đối xử đối với các xu hướng tính dục, bản dạng giới và biểu hiện giới khác nhau”, ông Lương nêu rõ.
“Phạm vi và nội dung phân biệt về giới mới đề cập đến vấn đề đối xử trực tiếp, chưa nhận diện đầy đủ các hành vi đối xử gián tiếp, phân biệt đối xử đa tầng, đa lĩnh vực, đồng thời cũng chưa quy định kênh tiếp nhận xử lý khiếu nại, tố cáo về việc phân biệt đối xử về giới có hại, quy định pháp luật xử lý đối tượng gây bất bình đẳng giới đó… Trong thời gian tới, Bộ mong nhận được các góp ý để sửa đổi Luật Bình đẳng giới”, ông Lương nhấn mạnh.
Bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng Đại diện UN Women tại Việt Nam đánh giá cao việc thi hành Luật Bình đẳng giới suốt 15 năm qua ở Việt Nam.
“Việt Nam đã thu hẹp khoảng cách giới trong nhiều lĩnh vực, được cộng đồng quốc tế đánh giá là quốc gia thực hiện tốt bình đẳng giới. Về tổng thể, nhận thức trong nhà nước và xã hội về bình đẳng giới đã chuyển biến tích cực về tỷ lệ tham chính tăng lên của phụ nữ, về nhận thức quyền và xu hướng gia tăng vai trò của phụ nữ trong hoạt động kinh tế, sinh hoạt cộng đồng và gia đình ở thành thị, nông thôn”, bà Elisa Fernandez Saenz đánh giá.
Bà Elisa Fernandez Saenz cũng kiến nghị Luật Bình đẳng giới cần sửa đổi khái niệm về giới cho phù hợp với nguyên tắc của Công ước CEDAW (Công ước loại bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ).
“Việc quy định thiếu các bản dạng giới sẽ khiến những hoạch định chính sách có thể bỏ qua các đối tượng giới ngoài nam và nữ trong các quy định pháp luật. Điều này có thể dẫn đến các hành vi có hại gây nên bất bình đẳng giới trên cơ sở định kiến giới, quấy rối tình dục, hôn nhân cưỡng ép… Việc này cũng khiến các cơ quan thực thi thiếu nền tảng pháp lý, quy trình thực hiện trong vấn đề bình đẳng giới”, bà Elisa Fernandez Saenz nhấn mạnh.
Nghiên cứu của nhóm chuyên gia độc lập cũng chỉ ra, sau 15 năm thi hành Luật Bình đẳng giới, phân biệt đối xử về giới vẫn xảy ở nhiều lĩnh vực. Cụ thể, 91% doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ do phụ nữ làm chủ gặp nhiều rào cản hơn trong tiếp cận nguồn lực đất đai, vốn, công nghệ…; Nhóm phụ nữ yếu thế như dân tộc thiểu số, khuyết tật, nông thôn… chịu bất lợi đa tầng; Lao động nữ yếu thế hơn trong tham gia thị trường lao động, trình độ (chỉ 17% lao động nữ nông thôn dưới 45 tuổi được đào tạo năm 2019 so với chỉ tiêu là 50%). Việc làm của lao động nữ chiếm tỷ lệ lớn trong các ngành nghề không yêu cầu trình độ, có vị thế thấp và dễ tổn thương…/.