Liên quan đến những tình huống chặn đầu xe đi sai luật, ép tài xế đi ngược chiều phải lùi lại… phóng viên đã có cuộc trao đổi với anh Thế Đạt - chuyên trang Cartimes của Tạp chí Công Thương.

PV: Anh Đạt đánh giá thế nào về việc những video chặn xe đi sai luật xuất hiện ngày càng nhiều trên mạng xã hội?

Anh Thế Đạt: Trước tiên tôi khẳng định đó là hành động sai. Không chỉ riêng vụ vừa rồi xe máy chặn xe biển xanh đi ngược chiều, mà có rất nhiều vụ chặn xe lưu thông thông thường. Tôi đã từng gặp có lần ở phố đi bộ, có một anh chặn xe của cán bộ phường, anh ta cho rằng đấy là việc sai vì đây là phố đi bộ.

Nhưng anh ta không hiểu rằng lực lượng chức năng phải dùng phương tiện để đi quản lý. Khi chúng ta thấy một hiện tượng trên đường, chúng ta đừng đánh giá vội.

PV: Vâng, tôi cũng đã từng bị chặn xe dù đi đúng luật. Hôm đó tôi đi ở phố Quán Sứ, đoạn qua chùa Quán Sứ đã chuyển thành đường một chiều. Tôi đi sát lề bên trái và bị một anh xăm trổ, đi xe máy không đội mũ bảo hiểm chặn lại. Người dân xung quanh lên tiếng là anh này đi sai thì anh ấy mới rời đi. Tôi nghĩ là trong những trường hợp tương tự, dù đi đúng hay đi sai nhưng nếu hai bên đều mất bình tĩnh thì rất dễ xảy ra xô xát, thậm chí gây thương tích, thiệt hại không đáng có?

Anh Thế Đạt: Cái đó bạn nói đúng, bởi vì là đương nhiên mình đang đi mà bị chặn đường thì sẽ tạo ra cảm xúc rất khó chịu. Anh đi và thấy một xe đi ngược chiều, anh cố tình chặn lại chứ không phải đang đứng ở phần đường của mình, hoặc gây hấn một vấn đề gì đấy thì là không đúng, bởi việc họ đi sai là trách nhiệm của CSGT và các lực lượng chức năng.

PV: Vâng, theo anh vì sao tình trạng chặn đầu xe đi sai luật ngày càng xuất hiện nhiều?

Anh Thế Đạt: Gốc rễ của vấn đề là các diễn đàn, mạng xã hội họ đưa ra các video mà không có sự kiểm duyệt. Rất nhiều người được quyền bình luận ở dưới, họ tạo ra những ý kiến trái chiều, lại không có người định hướng xem rằng việc nào đúng, việc nào sai.

Có khi mình làm sai, nhưng mọi người tán dương nhiều thì lại nghĩ mình làm đúng. Rất nhiều người nhìn vào hiện tượng đó và muốn chứng minh mình làm việc “trượng nghĩa”, vì người khác mà không biết rằng đấy là việc làm sai.

PV: Vâng, vậy vai trò của những người quản trị các diễn đàn là rất quan trọng?

Anh Thế Đạt: Hiện tại có những diễn đàn lớn có đến hàng triệu thành viên, nó phụ thuộc vào đội ngũ admin và những người quản lý trang đó.

Tôi thấy một số trang khi quản lý, admin có những lối suy nghĩ tiêu cực thì đương nhiên là cả cộng đồng đó có lối suy nghĩ tiêu cực theo. Nên có những luật, chế tài để quản lý những admin và chủ diễn đàn.

PV: Đó là trên không gian mạng, còn ngoài đời thực, khi gặp những trường hợp đi sai luật, người tham gia giao thông nên làm gì để tránh tai nạn, nguy cơ mất an toàn hay những xô xát không đáng có?

Anh Thế Đạt: Chúng ta phải nắm được luật, phải hiểu được văn hóa, nhường nhịn cũng là văn hóa. Người dân mình chỉ có động tác là ghi hình lại, báo cáo với cơ quan chức năng để họ xử lý.

PV: Xin cảm ơn anh.

Để đảm bảo thượng tôn pháp luật, khi có hình ảnh, video về các hành vi vi phạm luật giao thông, người dân có thể đến trực tiếp trụ sở đơn vị CSGT, hoặc gửi tới trang Zalo “Phòng Cảnh sát giao thông CATP Hà Nội” để được tiếp nhận, xác minh và xử lý theo quy định.

Bên cạnh đó, khi tham gia giao thông, ứng xử trên không gian mạng hay ngoài đời thực, chúng ta hãy thận trọng khi nhìn nhận một vấn đề, nhường nhịn và bình tĩnh xử lý các tình huống xảy ra để không ân hận chỉ vì một vài phút giây thiếu kiểm soát.