Hiểm họa từ trên trời rơi xuống
Sự cố gãy cần cẩu xảy ra ở huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp ngày 5/5 làm chết 3 mẹ con chị C.T.V (SN 1984, ngụ Đồng Tháp) khi đang đi trên đường là hệ quả của sự cẩu thả của đơn vị thi công.
Chiều 7/5, một chiếc cần cẩu thi công tòa nhà cao tầng trên đường Nguyễn Hữu Thọ (quận 7, TPHCM) kéo một bó sắt từ dưới đất lên cao. Chiếc cần cẩu dài vắt qua đường, đang kéo bó sắt lên, bị gió thổi lắc lư trên không. Nhiều người đi qua đoạn đường lúc này dừng lại, đợi khi bó sắt được hạ xuống mới dám qua.
Anh Nguyễn Văn Hòa (sinh viên ĐH Tôn Đức Thắng) cho biết: “Ngày nào em cũng đi qua đây hai, ba lần. Cứ đến chỗ công trình này, em lại thấy ớn ớn, phải ngước lên xem cần cẩu có kéo gì không mới dám qua”. Khoảng 11h ngày 7/5, chiếc cần cẩu thi công khu nhà cao hàng chục tầng tại giao lộ Điện Biên Phủ - đường D1 (quận Bình Thạnh, TPHCM) thả cáp từ trên cao xuống để đưa vật liệu từ bên trong công trình ra xe tải đậu bên lề đường.
Chiếc thùng sắt được kéo lên cao rồi chuyển ra ngoài, bên dưới là một số công nhân đứng đón và vận chuyển lên xe tải. Phía bên dưới tay cẩu, một dãy nhà dân, quán ăn... có rất nhiều người đang ngồi nhìn thấy với vẻ mặt lo lắng. “Ngày nào nó cũng kéo ầm ầm, ban đầu nhìn thấy ai cũng sợ, nếu không may có cái gì rớt xuống thì hậu quả khó lường”, một người dân sống sát công trình nói.
Cũng trong chiều 7/5, một cần cẩu công trình nằm bên đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1, TPHCM) đang hoạt động, phần đuôi được chèn nhiều khối bê tông lớn quay ngang ra đường, treo lơ lửng trên hàng trăm người đi đường. Tuy phần cần cẩu lấn ra ngoài nhưng xung quanh không có rào chắn hay biển báo nguy hiểm nào.
Anh Nguyễn Văn Dũng (SN 1973, quê Đồng Tháp) bán nước trước công trình chung cư G9 trên đường Nguyễn Khoái, (quận 4, TPHCM) lo lắng: “Ngồi bán nước trên vỉa hè, dưới công trình mà cứ sợ nó rơi xuống đầu vì mấy tảng đá hay bê tông gì đó của cần cẩu cứ quay ra đường. Mong là không có sự cố gì xảy ra”.
Thiếu chế tài xử lý, dân nơm nớp lo
Ông Nguyễn Thanh Xuyên, Phó Trưởng phòng quản lý chất lượng công trình xây dựng, Sở Xây dựng TP HCM cho rằng việc xử phạt những trường hợp vi phạm, không đảm bảo an toàn lao động trong khi sử dụng các thiết bị nâng, cần cẩu, cần trục còn gặp nhiều khó khăn.
“Những trường hợp sử dụng thiết bị nâng, cần trục tháp có vùng nguy hiểm ở dưới mặt đất, nguy cơ gây nguy hiểm cho người dân mà không có rào chắn, không có người bảo vệ, không hướng dẫn người dân đi tránh vùng nguy hiểm là chưa có quy định cụ thể”- ông Xuyên nói.
Ông Xuyên cho biết thêm, hiện có khoảng 6 công trình xây dựng đã ngưng thi công ở một số quận 6, quận 7 nhưng vẫn còn để cần trục, thiết bị nâng trên không. Tuy nhiên, khi Sở yêu cầu tháo dỡ để tránh nguy hiểm cho người dân, đơn vị thi công không chấp hành nhưng cơ quan chức năng không thể xử lý vì thiếu chế tài, biện pháp để xử phạt.
Theo ông Xuyên, hàng năm Sở Xây dựng phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội đi kiểm tra các công trình xây dựng, trong đó có công tác đảm bảo an toàn lao động khi sử dụng các thiết bị cần trục, thiết bị nâng.
“Hầu như không có vi phạm nghiêm trọng, mà chỉ có những vi phạm như là người lái cầu trục, thiết bị nâng không có văn bản phân công của đơn vị thi công”, ông Xuyên cho biết. Ngoài ra, nhiều công trình không có rào chắn, không có người hướng dẫn người đi đường tránh khi cần trục, cần cẩu lơ lửng trên đầu.
“Hiện nay chưa có quy định về niên hạn sử dụng các loại thiết bị trên nên Sở Xây dựng đã kiến nghị cơ quan chức năng cần quy định niên hạn sử dụng đối với các loại cần cẩu, cần trục và thiết bị nâng để dễ kiểm tra, đánh giá và quản lý”, ông Xuyên nói./.