Chiến tranh đã lùi xa, nhưng đến nay, cả nước vẫn còn hàng triệu người con ưu tú đang nằm đâu đó trong lòng Đất mẹ thân yêu. Có những người khi chết đi, vì nhiều lý do mà phần mộ chỉ ghi 2 chữ “vô danh”, có những người nằm xuống mà ngay cả đến phần mộ cũng không có…Để an ủi cho những người đã hy sinh, 30 năm qua, có một cựu chiến binh đã đạp xe đi khắp trong Nam ngoài Bắc, đến các tỉnh, thành trong cả nước để tìm hài cốt những chiến sỹ đã hy sinh, đến các nghĩa trang ghi chép thông tin phần mộ, nơi chôn cất và thông báo đến thân nhân của họ.
Ông tên là Nguyễn Văn Lệnh (biệt danh Tư Hổ, nguyên Chỉ huy phó Đội trinh sát vũ trang B5 thuộc lực lượng Đặc công thành Sài Gòn – Gia Định xưa), người cựu chiến binh đã sang tuổi 87, sống trong con ngõ sâu trên đường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội. Hơn 30 năm qua chỉ với chiếc xe đạp cà tàng, ông đã rong ruổi khắp trong Nam ngoài Bắc để đi tìm thông tin, hài cốt liệt sỹ.
Ông Lệnh cho biết, ông đến với công việc nghĩa tình này không vì tư lợi cá nhân hay bất kỳ mục đích nào khác, mà chỉ vì cái tâm của một người lính đối với người đã khuất. Ông đã hai lần vào chiến trường, kề cận với cái chết, nhưng vẫn may mắn còn lành lặn trở về với vợ con, điều đó là may mắn so với nhiều đồng đội hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, họ chưa hề có gia đình, vợ con gì.
“Chứng kiến cảnh các bà, các mẹ lưng còng, mắt mờ chờ đợi, mong ngóng ngày con mình được trở về với gia đình, tổ tiên, mình đau lòng lắm. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ sẽ làm một điều gì đó để giúp đỡ các gia đình đồng đội, để có ngày mẹ nhận con, vợ nhận chồng, con nhận cha khiến họ vơi bớt nỗi đau”, ông Lệnh chia sẻ.
Theo ông, đó còn là “trách nhiệm của những chiến sỹ hạng Hai đối với những chiến sỹ hạng Nhất”, mỗi người sống có trách nhiệm một chút thì nỗi đau của các gia đình có người hy sinh sẽ được san sẻ.
“Khi ở trong Sài Gòn, lúc đánh nhau với địch, anh em chiến sỹ hy sinh nhiều quá, mà họ còn rất trẻ, như em mình thôi. Vì bảo vệ độc lập dân tộc mà họ phải hy sinh, là bạn bè nên lương tâm lúc nào cũng cắn rứt, mà cha mẹ họ chắc cũng nghĩ thế thôi. Cho nên mình sống về với vợ con là điều hạnh phúc. Còn họ, bây giờ họ nằm ở đâu đó gia đình không biết, chắc họ cũng đau khổ, nhất là những ngày giỗ. Mình có điều kiện thì cố gắng đi tìm họ về đoàn tụ với gia đình, giảm bớt những nỗi đau do chiến tranh…”, ông Nguyễn Văn Lệnh nói về hành trình 30 năm đạp xe đi tìm hài cốt bộ đội.
Chân dung cựu Trinh sát vũ trang B5 thành Sài Gòn - Gia Định, Tư Hổ - Nguyễn Văn Lệnh. Ảnh Tuệ Lâm |
Theo ông Lệnh, hai lần vào sinh ra tử qua 2 cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ, thấy đồng đội hy sinh, tự tay chôn cất đồng đội, đồng chí của mình, từ đó ám ảnh và trở thành duyên nợ với ông cho đến bây giờ. Cho nên từ năm 1986 đến nay, ngoài việc đạp xe lên chợ Đồng Xuân lấy hàng cho vợ bán, thì công việc còn lại của ông là đạp xe đi tìm hài cốt liệt sỹ. Hiện nay, khi vợ qua đời, ông vẫn tiếp tục kinh doanh cửa hàng nhỏ đó để trang trải cho cuộc sống và có tiền “lộ phí” cho những chuyến đi tìm đồng đội ở xa.
Với hành trang là chiếc xe đạp cà tàng, vài bộ quần áo, mấy gói mỳ tôm cộng với một tấm lòng…như thế là ông lại lên đường, tối thì ngủ lại ở các nghĩa trang.
Ông không nhớ mình đã ngủ lại ở bao nhiêu nghĩa trang liệt sỹ và đã đạp xe bao nhiêu cây số để đi tìm hài cốt đồng đội. Trong cuốn sổ ghi chép những chuyến đi, ông đã đi qua 18 tỉnh thành phố cả trong Nam ngoài Bắc, 135 quận, huyện; 328 xã, phường…còn nghĩa trang thì ông không thể nhớ hết được. Ông và đồng đội đã tìm thấy gần 300 bộ hài cốt liệt sỹ đã quy tập về các nghĩa trang và xác định được danh tính, hơn 12 nghìn địa chỉ mộ liệt sỹ đã được ông gửi thư thông báo cho thân nhân các gia đình khắp cả nước.
Năm 2000, ông và những người đồng đội cũ đã tìm được ngôi mộ tập thể gồm 30 bộ hài cốt chiến sỹ quân giải phóng ở Bình Dương. Tiếp đó, cuối năm 2002, sau bốn năm kiên trì với hàng trăm lần đạp xe về Bắc Giang, Hải Dương, lần tìm theo các manh mối, chứng cứ, Bộ Quốc phòng tổ chức hội thảo và tiến hành khai quật, ông đã tìm ra nơi chôn cất 69 chiến sỹ của Tiểu đoàn 434, Trung đoàn 238 hy sinh trong trận Bãi Thảo (thuộc xã Cẩm Lý, huyện Lục Nam, Bắc Giang) thời chống Pháp.
Sau đó, dựa trên danh sách những người hy sinh, ông Lệnh đã liên lạc được với gia đình họ ở Hải Phòng; Quảng Ninh; Phú Thọ và Vĩnh Phúc…, 50 trên tổng số 69 bộ hài cốt đã xác định được danh tính. Rất nhiều cuộc hội ngộ xen giữa niềm vui và nước mắt đã diễn ra ngay tại nghĩa trang liệt sỹ xã Cổ Mệnh – nơi có 69 ngôi mộ mà ông Lệnh đã tìm thấy.
“Mỗi khi qua đây, tôi lại ghé vào thắp hương cho các anh ấy, rồi khấn các anh sống khôn, chết thiêng phù hộ cho tôi tiếp tục đi tìm các đồng chí khác”, ông Lệnh cho biết.
Với nhiều gia đình, ông Lệnh không chỉ là ân nhân mà còn là “người hùng”, vì sau bao nhiêu năm tìm kiếm người thân không có kết quả khi gặp ông, họ đã tìm thấy niềm vui đoàn tụ. Gia đình bà Trần Thị Ninh ở ngõ Trại Găng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội vẫn nhớ như in cái ngày mà bà và các con cháu nhờ có ông Lệnh mà sau 43 năm, bà đã tìm được chồng, con đã tìm được cha, cháu tìm thấy ông về quy tập tại nghĩa trang gần nhà để gia đình bà tiện khói nhang.
Cứ như thế, hơn 30 năm qua, ông Lệnh rong ruổi khắp trong Nam, ngoài Bắc và trở thành “người quân bưu cho những hương hồn liệt sỹ”.
Tuổi cao, sức yếu, ông Lệnh vừa mất cách đây ít hôm. Ngày 27/7 năm nay, ông sẽ “được” gặp mặt bạn bè, đồng đội của ông và cả những người ông chưa biết mặt, bỏ lại công cuộc kiếm tìm đồng đội còn dang dở.
Xin được thắp nén tâm nhang cho ông, các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh xương máu cho mảnh đất hình chữ S được phát triển trường tồn./.