Từ đầu năm đến nay, trong lĩnh vực xây dựng xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động nghiêm trọng làm nhiều người thương vong, trong đó chủ yếu là những lao động phổ thông, thường xuyên đối mặt nguy hiểm rình rập. Do đã bỏ giá thầu thấp, chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng tiết kiệm chi phí, chỉ thuê lao động phổ thông làm thời vụ để chi trả tiền lương thấp, không tập huấn và trang bị đồ bảo hộ.

Trong 6 tháng qua, tại Hà Nội, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, TP HCM… liên tiếp xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động trong khi thi công xây dựng, khai thác vật liệu xây dựng, ngạt khí lò vôi. Đáng chú ý là lĩnh vực xây dựng có hơn 80% số công nhân là lao động tự do, lao động phổ thông, thiếu kiến thức về an toàn vệ sinh lao động.

Các lao động này chủ yếu ở các vùng quê lên thành phố kiếm sống, làm việc theo kinh nghiệm, ý thức tự bảo vệ chưa tốt.

lao_dong_vov_gvui.jpg
Công trình xây dựng không sử dụng lưới che chắn

Anh Nguyễn Văn Tính, đã làm nghề xây dựng được 20 năm cho biết, nhiều vụ tai nạn được giấu kín do có sự thỏa thuận giữa người lao động, gia đình nạn nhân với chủ sử dụng lao động. Hầu hết các vụ tai nạn anh từng chứng kiến do người lao động bất cẩn, không có đầy đủ bảo hộ lao động, thậm chí công trình không được che chắn, giàn giáo chất lượng kém, lỏng lẻo.

“Chúng tôi chỉ vận dụng kinh nghiệm khi làm. Thợ làm ẩu, chủ quan, nhiều khi không phải thợ chuyên nghiệp, hầu như thợ một mùa ở quê ra, khi khoán cho họ làm cho xong. Tôi nghĩ rằng nếu chủ đầu tư mà nhận thầu giá rẻ thì họ sẽ cẩu thả hơn trong vấn đề an toàn cho người lao động. Còn nếu họ nhận được giá cao, hợp lý thì độ an toàn sẽ cao hơn”- anh Nguyễn Văn Tính nói.

Qua các vụ tai nạn lao động cho thấy, lao động phổ thông bị thương vong, chủ yếu xảy ra tại công trình xây dựng cao tầng của các nhà thầu thi công có tiếng, chủ đầu tư lớn. Chủ công trình bán thầu, khoán trắng công tác an toàn lao động cho cai thầu để tiết kiệm chi phí. Ở nhiều công trình xây dựng, phần lớn công nhân chủ yếu vẫn đội mũ mềm, ít sử dụng mũ bảo hộ, nhiều công nhân làm việc trên cao hàng chục mét mà không có đai bảo vệ.

Một công nhân ở Hà Nội bày tỏ: “Tôi cũng biết nếu không có bảo hộ an toàn lao động thì cũng nguy hiểm đến tính mạng thật nhưng mà do công trường cấp chưa được đủ gọi là phương tiện nhưng bọn em bắt buộc phải làm thế này để kịp ngày đổ sàn theo đúng tiến độ”. 

Sinh mạng người lao động khoán cho cai thầu

Số liệu thống kê được nêu ra mới chỉ phản ánh được một phần “bức tranh” về tai nạn lao động. Năm 2015, chỉ có 18.000 doanh nghiệp trên tổng số 265.000 doanh nghiệp (chiếm tỷ lệ chưa tới 10%) báo cáo về tình hình tai nạn lao động. Nhiều nhà thầu muốn tiết kiệm chi phí nên cố tình bỏ qua việc huấn luyện an toàn lao động, cắt giảm các khâu mua sắm trang, thiết bị bảo hộ cho người lao động.

Ông Lê Vân Trình, Phó Chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật ATLĐ cho biết, các doanh nghiệp tổ chức huấn luyện kiến thức an toàn chỉ làm hình thức cho có. Do đó, nếu cơ quan chỉ kiểm tra trên giấy tờ thì doanh nghiệp đều có giấy tờ hợp hợp lệ, song thực tế không tổ chức huấn luyện mà làm giấy tờ khống.

Còn theo ông Nguyễn Anh Thơ, Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động, chủ sử dụng lao động thờ ơ thực hiện quy trình an toàn lao động nên các vụ tai nạn xảy ra do ngã từ trên cao, điện giật, vật rơi và đổ sập.

“Qua rất nhiều quá trình phê duyệt dự án, đấu thầu dự án, các doanh nghiệp tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật và cam kết của nhà thầu với cơ quan giám sát rất đầy đủ về mặt pháp lý. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi và thực tế thi công thì họ đã không làm đúng như vậy. Họ đã sử dụng rất nhiều đối tượng lao động không được đào tạo, lao động tự do, thiếu những kỹ năng, kiến thức để làm các công việc trên công trường xây dựng. Họ cũng thuê các nhà cung cấp dịch vụ không đảm bảo an toàn và không có biện pháp an toàn, thiếu cả giám sát của các cơ quan, tổ chức liên quan”- ông Nguyễn Anh Thơ cho biết.

Lĩnh vực xây dựng là một trong những nguồn tạo việc làm chính ở Việt Nam với hơn 3,3 triệu người lao động. Hiện, đa số doanh nghiệp nhỏ thiếu bộ máy giám sát người lao động thực hiện các quy định, nội quy về an toàn lao động, thường ký hợp đồng thuê nhân công khoán gọn cho một nhóm trưởng, tổ trưởng theo khối lượng công việc và hoàn toàn phó mặc cho họ tự tổ chức thi công. Sau mỗi vụ tai nạn lao động xảy ra, hàng loạt các cơ quan chức năng lại  tăng cường kiểm tra để quy trách nhiệm và không khó tìm ra nguyên nhân.

Thứ trưởng Bộ Lao động –Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho rằng nếu chỉ thanh tra và xử phạt thì hiệu quả đạt được không cao, còn số vụ tai nạn lao động chết người được đưa ra xét xử chiếm tỷ lệ rất nhỏ.

“Chúng ta không thể nào có đủ lực lượng thanh tra ở tất cả các công trình dù lớn dù nhỏ để xem họ có tuân thủ công tác an toàn lao động hay không. Bộ Lao động –Thương binh và Xã hội vẫn nhấn mạnh rằng khi làm việc, đối với những công việc có nguy cơ cao thì người lao động cần phải được huấn luyện về an toàn lao động, cần phải được trang bị đầy đủ các phương tiện về bảo hộ lao động. Chúng tôi cũng nhấn mạnh vai trò của địa phương trong công tác an toàn lao động, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra”-  Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nói.

Trên thực tế, nhiều nhà thầu đã bỏ qua quy định an toàn lao động, thậm chí cắt giảm chi phí cho công tác này. Từ 01/7, Luật An toàn, vệ sinh lao động có hiệu lực, trong đó người lao động có quyền từ chối làm công việc hoặc rời bỏ nơi làm việc mà vẫn được trả đủ tiền lương và không bị coi là vi phạm kỷ luật lao động khi thấy rõ có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động và phải báo ngay cho người quản lý trực tiếp để có phương án xử lý.

Người lao động chỉ tiếp tục làm việc khi người quản lý trực tiếp và người phụ trách công tác này đã khắc phục các nguy cơ để bảo đảm an toàn vệ sinh lao động. Đây sẽ là căn cứ rất quan trọng để người lao động tự bảo vệ mình trước nguy cơ mất an toàn và đảm bảo quyền lợi khi có sự cố xảy ra./.