Từ 2017 đến 2021, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và người dân, tỉnh Gia Lai đã triển khai trồng 31.000ha rừng, phần lớn trên diện tích người dân xâm lấn đất lâm nghiệp tự nguyện kê khai.

Năm 2020, gia đình anh Jiao Klong và 300 hộ ở Ia Rsai, huyện Krông Pa được vận động trồng 417ha rừng keo trên đất rẫy vốn là đất rừng. Trong lúc chờ keo lớn, các gia đình vẫn tận dụng trồng thêm lúa và sắn để có nguồn thu nhập. Sau 2 năm, trên 150ha keo đã chết hầu hết, hàng chục ha chỉ sống dưới 50%. Như rừng mà gia đình Jiao Klong trồng, tỷ lệ sống chưa đầy 10%, nên không được nghiệm thu và thanh toán tiền trồng rừng.

“Nhà nước vận động mình trồng rừng. Nhưng trồng rừng rồi thì lại thiếu đất để sản xuất nên phải trồng xen vì trồng rừng thì không biết đến bao giờ mới cho thu hoạch. Ở đây trồng được cây rừng rất khó khăn mà giờ cây lại chết gần hết nên cũng chẳng biết làm sao”, anh Jiao Klong nói.

Tương tự, kết quả trồng rừng tại các ban quản lý trong giai đoạn này tại Krông Pa cũng đạt rất thấp. Ông Vũ Đức Dân- Trưởng Ban quản lý Rừng phòng hộ Ia Rsai, huyện Krông Pa cho biết, trong 2 năm 2019 và 2020, Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Rsai, huyện Krông Pa trồng 60ha keo lai, nhưng tới nay, nhưng chỉ gần 7ha  đảm bảo tỷ lệ cây sống.

Theo ông Dân, có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc trồng rừng trên đất lâm nghiệp bị xâm lấn đạt hiệu quả thấp. Trong đó, về khách quan là hầu hết khu vực trồng rừng xa xôi, địa hình phức tạp; thời điểm xuống giống gặp nắng hạn kéo dài. Cùng với đó là lý do từ mặt chi phí trồng rừng hiện nay thấp, không phù hợp với điều kiện sản xuất của người dân địa phương.

“Về chính sách hỗ trợ đầu tư, nhà nước chưa đảm bảo theo yêu cầu của người dân. Một chu kỳ trồng rừng, chăm sóc thường là 4 năm. Suất đầu tư đối với 1 ha trong 1 chu kỳ là trên 35 triệu. Trong khi đó nhà nước chỉ hỗ trợ 2,5 triệu. Bà con ở đây chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, kinh tế khó khăn. Dân không có tiền đầu tư, chăm sóc. Từ đó dẫn tới cây chết dần, chết dần”, ông Dân cho hay.

Theo HĐND tỉnh Gia Lai, cùng với huyện Krông Pa, kết quả giám sát ở các huyện Phú Thiện, Chư Pưh... cũng cho kết quả tương tự. HĐND tỉnh Gia Lai đề nghị trung ương xem xét,  tháo gỡ những bất cập trong kinh phí hỗ trợ đối với người dân và các đơn vị trồng rừng, nhằm giúp việc trồng rừng đạt kết quả cao, để chính sách phủ xanh rừng mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân./.