Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh, thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã liên tục có nhiều văn bản, công điện chỉ đạo việc tăng cường tiêm vaccine phòng COVID-19 như Công điện số 664/CĐ-TTg ngày 25/7/2022; Công điện số 755/CĐ-TTg ngày 25/8 chỉ đạo đẩy mạnh và hoàn thành sớm nhất việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho các lứa tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Thông tin cụ thể tại cuộc Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2022, vị đại diện Bộ Y tế cho biết, kết luận phiên họp thứ 16 ngày 6/8/2022 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Thủ tướng đã nhấn mạnh: Tiêm chủng vaccine phòng ngừa dịch bệnh là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mọi người dân. Thủ tướng cũng đã giao nhiệm vụ cho các bộ, cơ quan, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu và chấp hành tiêm vaccine để phòng, chống dịch; lãnh đạo Chính quyền các cấp phải có trách nhiệm triển khai tiêm chủng để đạt các mục tiêu đã đề ra.
Tính đến hết ngày 5/9/2022, Việt Nam đã triển khai tiêm chủng được hơn 257 triệu liều vaccine phòng COVID-19 đảm bảo an toàn, khoa học, hiệu quả và là một trong những quốc gia có số liều vaccine sử dụng và tỷ lệ bao phủ vaccine cao nhất trên thế giới (tỷ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho người từ 12 tuổi trở lên đạt xấp xỉ 100%; tỷ lệ tiêm mũi 3 trên tổng dân số đạt 56%, cao gấp đôi tỷ lệ trung bình trên thế giới - đây là kết quả của nhóm các nước có nền y tế phát triển).
Theo bà Liên Hương, hiện tại, nhiều địa phương đã hoàn thành tiêm mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên, mũi 4 cho các đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế. tỷ lệ tiêm mũi 1 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi tính trung bình trên cả nước là 85,4%, đạt yêu cầu Thủ tướng Chính phủ đề ra. Cá biệt một số địa phương tiêm chậm. Đa số có tỷ lệ tiêm cao, hoàn thành mục tiêu như Bắc Giang, Tuyên Quang, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Cà Mau.
"Nhờ đẩy mạnh công tác tiêm chủng và nỗ lực trong phòng chống dịch, đến nay dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, đất nước quay trở lại cuộc sống bình thường, khôi phục và phát triển kinh tế, trẻ em được đến trường học tập, vui chơi an toàn, thầy cô giáo, bố mẹ không phải lo lắng", Thứ trưởng Bộ Y tế nói.
Bà Liên Hương cũng cho biết, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), tiêm vaccine phòng COVID-19 vẫn là biện pháp hiệu quả và có ý nghĩa chiến lược trong phòng, chống dịch. Tiêm vaccine phòng COVID-19 là cách an toàn và hiệu quả để bảo vệ sức khỏe cho trẻ em, giúp tăng cường khả năng miễn dịch của trẻ để chống lại COVID-19, hạn chế nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong, để các em sẵn sàng cho năm học mới.
"Hiện nay, số ca mắc COVID-19 có xu hướng tăng trở lại trên cả nước với sự xuất hiện của một số biến thể mới của chủng Omicron có khả năng lây lan và khả năng lẩn tránh hệ miễn dịch cao hơn. Chúng ta đều không mong muốn dịch bệnh bùng phát trở lại như năm 2021. Vì vậy, Bộ Y tế khuyến cáo người dân, các bậc phụ huynh, người giám hộ trẻ em nên đưa trẻ từ 5 tuổi trở lên đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch", Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Các địa phương đang rất nỗ lực triển khai các biện pháp để tăng cường tiến độ tiêm chủng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ, trong đó sự đồng thuận và ủng hộ của người dân là điều kiện tiên quyết để tăng nhanh tỷ lệ bao phủ vaccine, đảm bảo phòng, chống dịch hiệu quả.
Đặc biệt trong công tác tiêm vaccine phòng, chống dịch COVID-19 thì trẻ em có bệnh nền, có nguy cơ cao là đối tượng được ưu tiên đảm bảo tiêm vaccine phòng COVID-19 tại cộng đồng dân cư, các trường học./.