Ngày 1/10, cách đây 1 năm, TP.HCM quyết định mở cửa trở lại sau thời gian phong tỏa vì đại dịch COVID-19. Đối mặt với những khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra, cùng với những quyết sách phục hồi sau đại dịch, phát huy truyền thống năng động sáng tạo nỗ lực vượt khó, sự chung tay của người dân và doanh nghiệp, TP.HCM đang phục hồi mạnh mẽ.

Mở cửa trở lại trong bối cảnh dịch bệnh còn căng thẳng, TP.HCM đối mặt với khó khăn khi sức chịu đựng của xã hội đã đến giới hạn, nền kinh tế bị tổn thương nặng nề.

Trong 2 năm chịu ảnh hưởng của đại dịch, TP.HCM thiệt hại hơn 273.000 tỷ đồng. Và cũng lần đầu tiên trong lịch sử kể từ khi đổi mới, mức tăng trưởng của trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước ở mức âm 6,78%.

Với truyền thống năng động, sáng tạo, trong bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp, thành phố đã xây dựng chiến lược phục hồi, mở cửa thí điểm ở các quận, huyện vùng xanh, xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế với 11 chiến lược.

Khi thành phố và các tỉnh phía Nam mở cửa trở lại, Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 chuyển đổi chiến lược từ “Zero COVID” sang “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” giúp chiến lược phục hồi của thành phố thêm thuận lợi.

Thực tế cho thấy, không chỉ kiểm soát tốt dịch bệnh, TP.HCM cũng nỗ lực vực dậy nền kinh tế sau đại dịch bằng các chính sách quảng bá xúc tiến thương mại, đẩy mạnh quan hệ hợp tác, chủ động gặp gỡ để nhằm sớm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Chính vì vậy, từ chỗ tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) trong năm 2021 là âm 5,06% thì ngay trong Quý 1 năm 2022 đã dương 1,88%, một con số nằm ngoài dự báo về mức tăng trưởng của thành phố sau đại dịch.

Tại cuộc họp báo về thông tin kinh tế- xã hội 7 tháng đầu năm 2022, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi tự tin khẳng định, đến giờ này kinh tế- xã hội của TP.HCM có thể nói là đã phục hồi nhanh, khá đồng bộ, toàn diện. Tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm đạt được 3,82%, so với trung bình của cả nước thì thấp nhưng đối với TP.HCM thì đây cũng là một sự phục hồi có rất nhiều cố gắng.

Gần một năm sau đại dịch COVID-19, kinh tế của thành phố có những bước phục hồi khá đồng bộ, dự kiến 9 tháng năm 2022 đạt 9,71%. Quy mô, tốc độ tăng trưởng các ngành, lĩnh vực cơ bản đạt trạng thái trước khi có dịch COVID-19. Tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp tăng trưởng khá, thương mại- dịch vụ- du lịch phục hồi mạnh mẽ, thu hút FDI đạt 2,91 tỷ USD.

Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho rằng, những con số ấn tượng trong thời gian qua là cơ sở để TP.HCM phát triển kinh tế, ổn định xã hội, nâng cao chất lượng sống của người dân, là bước chạy đà khá tốt để cố gắng hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ của năm 2022 và giai đoạn 2020- 2025. Đó cũng là minh chứng cho quyết tâm không thay đổi các chỉ tiêu kế hoạch của năm 2022 mà thành phố đã chọn từ đầu năm là đúng đắn.

Theo ông Nguyễn Văn Nên, từ khi Đại hội XI của Đảng bộ TP.HCM, nhiệm kỳ 2020- 2025 đến nay chưa tròn 2 năm đã trải qua 3 mốc thời gian ngắn nhưng có tính lịch sử. Giai đoạn đầu, toàn TP.HCM rất khí thế chuẩn bị triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ TP.HCM. Tuy nhiên sau đó, thành phố phải tập trung toàn lực để ứng phó với đại dịch COVID-19 lần thứ 4 với những thử thách khốc liệt chưa từng có trong tiền lệ.

Giai đoạn thứ 3, TP.HCM tập trung kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19 và triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội sau đại dịch, tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong đầu tư phát triển và giải quyết những vấn đề phức tạp còn tồn đọng.

"Chúng tôi tâm nguyện nỗ lực nhiều hơn nữa, ra sức phát huy truyền thống kiên cường, bản lĩnh, đoàn kết, năng động, sáng tạo, nghĩa tình, quyết tâm làm hết sức mình, xây dựng và phát triển TP.HCM ngày càng phát triển, chất lượng sống của nhân dân ngày càng được nâng cao. Và luôn luôn tâm nguyện rằng, TP.HCM vì cả nước, cùng cả nước" - ông Nguyễn Văn Nên cho biết.

Mới đây, trong chuyến làm việc tại TP.HCM, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chúc mừng và đánh giá cao những cố gắng, nỗ lực và kết quả, thành tích mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM đã đạt được. Trong bối cảnh tình hình trong nước và thế giới có nhiều khó khăn, TPHCM đã nỗ lực duy trì, phục hồi, phát triển kinh tế đạt kết quả cao nhất có thể.

Tổng Bí thư khẳng định: "Trong bối cảnh khó khăn chồng chất khó khăn, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và kịp thời của Trung ương Đảng và Nhà nước, cùng với cả nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM đã nỗ lực phấn đấu, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong những thời khắc đầy khó khăn, thách thức đó, tính ưu việt của hệ thống chính trị nước ta, ý chí, sức mạnh Việt Nam, truyền thống yêu nước, đoàn kết, tương thân, tương ái, "thương người như thể thương thân" và sức sống mãnh liệt của dân tộc ta, của nhân dân Thành phố và các tỉnh Nam Bộ lại được khẳng định và phát huy ở tầm cao mới, rất kịp thời, đúng lúc".

Theo các chuyên gia kinh tế, những kết quả khả quan của TP.HCM thời gian qua cho thấy, các giải pháp mà Chính phủ và TP triển khai đã phát huy hiệu quả. Điều đó cũng cho thấy, chân đế của nền kinh tế thành phố khá vững chãi. Những kết quả của năm 2022 sẽ là tiền đề để thành phố phát triển hơn nữa trong năm sau. Vấn đề là cần có những cơ chế đặc thù, vượt trội hơn nữa để TP.HCM phát huy hết tiềm năng. Thực tế là dù thành phố có những bước tiến vượt bậc, tuy nhiên vẫn có tốc độ phục hồi chậm hơn so với các địa phương khác.

Lý do là bởi COVID-19 đã khiến cho một lượng lớn công nhân, người lao động về quê tránh dịch và đã tìm được việc làm mới, ổn định ở quê. Việc này ảnh hưởng đến tái cấu trúc đô thị, một số công việc và các khoản đầu tư đã tản về các địa phương. Đặc biệt là về mảng bất động sản khi thời gian qua bất động sản phát triển mạnh ở các địa phương như: Bình Thuận, Bà Rịa- Vũng Tàu, Đồng Nai…

Tiến sỹ Võ Trí Hảo cho rằng, TP.HCM cần phải định vị thành một trung tâm về mặt tài chính, khoa học công nghệ cao chứ không phải làm tất cả. Những thứ khác như giày da, dệt may, công nghiệp... nên để cho các đô thị vệ tinh làm. 

Với truyền thống “miền Nam đi trước về sau”, “TP.HCM vì cả nước, cùng cả nước”, chắc chắn TP.HCM sẽ phát triển vượt bậc hơn nữa trong thời gian tới, để tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu của cả nước./.