“Chỉ cần đủ để sống qua dịch thôi”
Bà Huỳnh Thị Tươi (SN 1963) cùng chồng từ An Giang lên TP.HCM làm phụ hồ. Bà cùng chồng và các con thuê nhà trọ tại khu phố 2, đường TX 25, phường Thạnh Xuân, quận 12, TP.HCM. Cả gia đình bà mất việc làm vì dịch COVID-19 từ tháng 5/2021. Tuy nhiên sau 2 lần TP.HCM triển khai các gói an sinh xã hội tới người dân, 8 người trong gia đình bà, người nhận được, người không. Người nhận cũng chỉ được một lần duy nhất với khoản hỗ trợ 1,5 triệu đồng.
“Cả 4 tháng nay giãn cách, nhà tôi không có ai đi làm được. Tiền nhà trọ vẫn còn nợ. Gia đình đông người, bọn trẻ không có gì ăn. Giờ chỉ cần sắp xếp cho gia đình tôi về quê là tôi đội ơn lắm rồi.” - bà Tươi khóc nức nở.
Gia đình bà Huỳnh Thị Tươi không phải là trường hợp duy nhất chưa nhận được các gói hỗ trợ. Ông Phan Chí Thiền (SN 1965) là lao động tự do cũng thuê trọ tại khu phố 2 đường TX 25, phường Thạnh Xuân, quận 12, TP.HCM. Từ khi TP.HCM triển khai các gói an sinh, ông Thiển chỉ nhận được một lần duy nhất với số tiền 1,5 triệu đồng. “Hiện tại trong túi tôi không còn tiền. Đau ốm, cũng không có tiền mua thuốc men. Dịch bệnh, bà con không ai đi làm được. Tôi không dám xin nhà nước hỗ trợ nhiều, chỉ cần đủ để sống qua dịch thôi".
Được biết, người dân trong khu phố đã nhiều lần gửi danh sách lên UBND lên phường để hỏi về những lần TP.HCM triển khai các gói hỗ trợ an sinh xã hội. “Chủ tịch phường đã nhận và nói sẽ về cơ sở để xác minh, nhưng từ đó đến nay chưa có ai xuống. Chúng tôi cũng nhiều lần gửi danh sách người được nhận hỗ trợ theo quy định cho công an khu vực, tổ trưởng khu phố. Từ đầu dịch tới giờ, khu phố đã thay 3 tổ trưởng rồi mà vẫn chưa ai có phản hồi gì” – anh Nguyễn Thiện Chí, cư dân tại khu phố 2 cho biết.
Trước dịch, anh Chí làm kỹ thuật công trình và là lao động chính trong gia đình, có vợ ở nhà chăm con nhỏ. Dịch đến, anh Chí mất việc, mọi chi tiêu trong nhà dồn vào tiền tiết kiệm và trông chờ các gói hỗ trợ.
Từ thời điểm thành phố bùng dịch cho tới giờ, rất nhiều gia đình thuê trọ tại khu vực này chưa nhận được bất kỳ gói hỗ trợ hay gói quà an sinh nào.
3 lần triển khai gói hỗ trợ
Vào tháng 7/2021, TP.HCM đã triển khai gói hỗ trợ lần 1 với tổng kinh phí 886 tỉ đồng để hỗ trợ tiền ăn cho nhiều đối tượng, trong đó có người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Từ đầu tháng 8, TP HCM tiếp trục triển khai gói hỗ trợ lần 2 trong năm 2021 với kinh phí hơn 900 tỉ đồng dành cho 3 nhóm đối tượng. Nhóm 1 là người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) gặp khó khăn do dịch COVID-19 theo quy định tại khoản 4 Điều 2 Nghị quyết 09/2021 của HĐND TP.HCM. Nhóm 2 là hộ nghèo; hộ cận nghèo đang gặp khó khăn do dịch COVID-19 trên địa bàn TP HCM. Nhóm 3 là hộ lao động nghèo đang sinh sống trong các khu nhà trọ, khu lưu trú công nhân, khu lao động nghèo, khu vực bị phong tỏa. Riêng với những hộ lao động thuộc nhóm 3, không phân biệt thường trú, tạm trú, cứ hộ nào thực sự khó khăn là được hỗ trợ.
Vào cuối tháng 9/2021, UBND TP.HCM tiếp tục triển khai phương án hỗ trợ đợt 3, nhằm chia sẻ phần nào khó khăn bức bách của người dân. Số lượng người hỗ trợ (dự kiến) là 7,3 triệu người. Mức hỗ trợ 1.000.000 đồng/người.
Có 4 nhóm đối tượng được hưởng hỗ trợ trong lần này, bao gồm: Thành viên trong hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc diện hưởng chế độ trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng đang gặp khó khăn; người lao động có hoàn cảnh thật sự khó khăn do bị mất việc làm, không có thu nhập, trong thời gian TP thực hiện giãn cách xã hội kéo dài, đang thực tế có mặt trên địa bàn xã, phường, thị trấn; cùng với đó là người phụ thuộc của đối tượng 2 gồm: cha, mẹ, vợ hoặc chồng và các con ở nhà nội trợ hoặc không có khả năng làm việc, sống phụ thuộc đang có mặt trên địa bàn xã, phường, thị trấn tại thời điểm khảo sát và lập danh sách; người lưu trú tạm thời trong các khu nhà trọ, khu lưu trú, khu lao động nghèo, xóm nghèo, có hoàn cảnh thật sự khó khăn, trong thời gian TP thực hiện giãn cách và đang có mặt tại địa bàn xã, phường, thị trấn.
Theo các tiêu chí trên, người dân trong nhiều dãy nhà trọ tại khu phố 2, phường Thạnh Xuân, quận 12, TP.HCM đều là đối tượng thuộc diện hưởng 3 gói hỗ trợ này. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều gia đình chưa một lần được nhận trợ cấp.
Phóng viên VOV đã phản ánh hiện tượng này tới đại diện UBND phường Thạnh Xuân. Đến thời điểm hiện tại, sau 2 ngày tiếp nhận và làm việc, đại diện UBND chưa có bất kỳ phản hồi nào về vấn đề này./.
Tại cuộc họp báo của Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 TPHCM chiều 20/9, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan đã thông tin về phương án hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên địa bàn TP (đợt 3).
Cụ thể, hiện nay, tình hình dịch bệnh trên địa bàn TPHCM vẫn còn diễn biến phức tạp, thời gian giãn cách xã hội kéo dài; người dân đã khó khăn ngày càng khó khăn hơn do mất việc không có thu nhập. Do đó, ngoài các gói cứu trợ an sinh xã hội của Ủy ban MTTQ và các tổ chức, cá nhân,… được sự chấp thuận của Thường trực HĐND TP, UBND TP tiếp tục triển khai phương án hỗ trợ đợt 3, nhằm chia sẻ phần nào khó khăn bức bách của người dân.
Từ kinh nghiệm tổ chức thực hiện các gói hỗ trợ đợt 1, đợt 2 thời gian qua, trên cơ sở thống kê, báo cáo từ UBND quận, huyện và TP Thủ Đức; trong thời gian tới, trên địa bàn TP sẽ có khoảng 53.483 hộ nghèo và hộ cận nghèo (với khoảng 210.178 nhân khẩu), người đang lưu trú tại TP gặp khó khăn với tổng số người dân cần hỗ trợ là 7.347.116 người. Do đó, UBND TP triển khai phương án hỗ trợ đợt 3.
Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cho biết, về nguyên tắc hỗ trợ, trên cơ sở hộ nghèo, hộ cận nghèo, người lao động gặp khó khăn đã được chi trả đợt 1, đợt 2 và những trường hợp thật sự khó khăn được cập nhật bổ sung, sẽ xác định số người được hỗ trợ ở đợt 3. Quá trình rà soát, lập danh sách, tổ chức thẩm định và phê duyệt phải đảm bảo nguyên tắc chi đủ, chi đúng, không bỏ sót, không trùng lặp, không phân biệt thường trú, tạm trú, lưu trú không lợi dụng chính sách để trục lợi cá nhân.
Số lượng người hỗ trợ (dự kiến) là 7,3 triệu người. Mức hỗ trợ 1.000.000 đồng/người. Dự toán kinh phí hỗ trợ là hơn 7.300 tỷ đồng. Nguồn kinh phí thực hiện từ ngân sách TP bao gồm nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương và nguồn kết dư ngân sách năm 2019 (đang theo dõi trong số thu ngân sách năm 2020). Đồng chí Võ Văn Hoan cho biết, cố gắng khoảng thứ 5 (ngày 23/9), chậm nhất là thứ 6 (24/9) có thể khởi động chương trình hỗ trợ người dân gói thứ 3. (Nguồn thông tin: hcmcpv.org.vn)