Những ngày qua, tại Thành phố Hồ Chí Minh, mưa thường xuyên diễn ra vào buổi trưa, buổi chiều và tình trạng cứ mưa lớn là nhiều nơi bị ngập nước khiến cho sinh hoạt của người dân bị xáo trộn, nhất là việc tham gia giao thông. Mưa ngập có nguyên nhân do hệ thống thoát nước kém, hệ thống ngăn triều chưa đảm bảo, cho nên người dân đang rất mong các dự án chống ngập sớm hoàn thành. 

vov_dsc05621_miqs.jpg
Ngập lụt là nỗi khổ mà người dân thành phố phải chịu.
Con hẻm số 33, đường Đinh Bộ Lĩnh, Phường 26, quận Bình Thạnh nằm ở khu vực trũng, khó thoát nước và cũng chịu ảnh hưởng của thủy triều nên cứ mưa là ngập. Nếu cơn mưa rơi đúng vào thời điểm triều cường thì tình trạng ngập còn nặng nề hơn. 

Nhiều ngày nay, trời mưa liên tục, bà Trương Thúy Hằng cũng như nhiều gia đình khác buôn bán trong hẻm gần như chỉ dọn hàng ra rồi cất vào là hết thời gian. Bà Hằng nói: "Sáng dọn ra là trời mưa, mà chiều thì hay mưa, mưa lớn lắm còn ở đây mưa là ngập. Mà ngập thì phải dọn hàng vào, đâu buôn bán được gì, cực khổ lắm".

Nhiều khu vực khác như: các đường Nguyễn Hữu Cảnh, Ung Văn Khiêm, D2 (quận Bình Thạnh); Nguyễn Duy Trinh, Lương Định Của, Thảo Điền (Quận 2), Đỗ Xuân Hợp, Lê Văn Việt, Xa lộ Hà Nội – chân cầu Rạch Chiếc (Quận 9), Huỳnh Tấn Phát (huyện Nhà Bè)…cũng ở tình trạng mưa là ngập. Trong các phương án chống chống ngập của thành phố, mong mỏi lớn nhất đặt vào dự án “Giải quyết ngập do triều cường khu vực Thành phố Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1)”, tổng vốn đầu tư 10 ngàn tỷ đồng mà Tập đoàn Trung Nam đang thực hiện. 

Đường Nguyễn Xí bị ngập chỉ sau trận mưa không quá lớn.
Theo thiết kế, dự án này sẽ kiểm soát ngập do triều và lâu dài là ứng phó với biến đổi khí hậu cho một vùng có diện tích 750 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm thành phố. Dự án cũng điều tiết, hạ thấp mực nước ở các kênh rạch, cải thiện khả năng tiêu thoát nước đô thị. Như thế, dự án hoàn thành sẽ giảm đáng kể tình trạng ngập trong thành phố. Hiện dự án đã thi công được gần 37% khối lượng công việc, dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 4/2018. 

Dự án này sẽ hiệu quả trong chống ngập do triều, còn khả năng thoát nước trong đô thị ra các kênh nội đồng thì tùy vào chương trình thoát nước theo Quyết định 752/QĐ-TTg về Quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến 2020 và Quyết định 1547/QĐ-TTg về Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực Thành phố Hồ Chí Minh. 

Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nam cho rằng muốn giảm ngập do triều và mưa thì phải tuyên truyền mạnh để người dân hạn chế xả rác vào cống: "Khi ngăn triều rồi thì mưa xuống chúng tôi bơm ra, nước thoát bao nhiêu chúng tôi bơm ra được hết. Trong trường hợp không thoát ra được là do chưa hoàn thiện hệ thống thoát nước đô thị, hoặc hoàn thiện được rồi nhưng vận hành chưa như mong muốn là rác nhiều quá hoặc là nước không chảy ra thì chúng tôi cũng đành chịu".

Điều đó có nghĩa là, kể cả khi dự án do Tập đoàn Trung Nam đang thực hiện hoàn thành thì việc vận hành hiệu quả hệ thống thoát nước và các công trình chống ngập hiện hữu là rất quan trọng. Để tăng hiệu quả thoát nước cho mùa mưa năm nay, đến thời điểm này, Trung tâm điều hành Chương trình chống ngập nước đã duy tu trên 80% hệ thống và sẽ hoàn thành việc duy tu trước ngày 15/6, nạo vét trên 10 ngàn km kênh rạch, sửa chữa các miệng ga, cửa van, trạm bơm…Thế nhưng, thoát nước đô thị vẫn khó do ý thức người dân, do xử lý vi phạm chưa hiệu quả. 

Cống Phú Xuân - 1 trong các cống ngăn triều đang được khẩn trương thi công.

Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm điều hành Chương trình chống ngập nước thành phố nói: "Hiện nay có thực tế là những miệng thu, cửa thoát nước bị xả rác, bị lấp bít miệng thu, cửa xả bị lấn chiếm. Kết quả xử lý lấn chiếm trong thời gian qua vẫn đạt chưa nhiều nên ảnh hưởng lớn đến hệ thống thoát nước. Cũng mong người dân đồng hành với chương trình chống ngập bởi lấp miệng thu, lấn chiếm cửa xả thì ảnh hưởng đến thoát nước".

Tại buổi họp kinh tế - xã hội tháng 5/2017 mới đây, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Lê Văn Khoa cũng thừa nhận: lấn chiếm cửa xả đã là vấn đề nhức nhối từ lâu, lãnh đạo thành phố đã đi kiểm tra, chỉ đạo xử lý nhưng chuyển biến rất chậm. Thêm vào đó, muốn phát huy tốt dự án chống ngập 10 ngàn tỷ đồng dự kiến sẽ hoàn thành vào giữa năm 2018 thì cần phải làm tốt hệ thống dẫn nước về cửa ngăn triều. 

"Khi hoàn thành để phát huy tác dụng tốt thì cần phải có những hệ thống dẫn nước về để xử lý bơm ra ở cửa ngăn triều. Ngăn ở ngoài vào chúng ta đã làm rồi còn nước thu về để bơm từ trong ra rất quan trọng. Xử lý sao cho đồng bộ, từ trong hẻm ra cống ngoài đường, từ cống ngoài đường ra cửa xả. Vấn đề này trung tâm (điều hành Chương trình chống ngập nước) phải trách nhiệm để tham mưu cho thành phố" - ông Khoa nói.

Bí thư TU Nguyễn Thiện Nhân thăm hỏi người dân ở đường Nguyễn Hữu Cảnh.
Thấu hiểu nỗi khổ mà người dân phải chịu đựng vì mưa ngập, triều cường, mới đây, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cũng đã đến tận điểm ngập sâu ở đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân, cũng như đi kiểm tra tiến độ dự án chống ngập 10 ngàn tỷ đồng.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân trên công trường cống Mương Chuối.
Đồng chí Bí thư Thành ủy đánh giá đây là công trình có ý nghĩa hết sức quan trọng với thành phố, có qui mô lớn nhất, triển vọng nhất, tác dụng lớn nhất nên phải cố gắng đảm bảo tiến độ và chất lượng để nhanh chóng giải bài toán ngập nước. Trong lúc chờ các công trình phát huy hiệu quả, người dân cũng phải có ý thức bảo vệ kênh rạch, cống thoát nước, cửa xả, không lấn chiếm, xả rác để phát huy tối đa các công trình hiện hữu./.