Các nhà sản xuất, phân phối vaccine dịch vụ như: Công ty GlaxoSmithKline, Merck Sharp & Dohme, Sanofi, Zuellig Việt Nam, DKSH Việt Nam, Sang Pharma, Dược Mỹ phẩm May… không cung cấp đủ vaccine dịch vụ trong năm 2015 và cả năm 2016 cho nhu cầu tiêm chủng của người dân thành phố Hồ Chí Minh.

Cụ thể, vaccine Infanrix Hexa (6 trong 1) của công ty GlaxoSmithKline trong năm 2015 cung ứng cho thị trường Việt Nam 38.000 liều, trong đó có 4.000 liều cung cấp cho Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh để nghiên cứu lâm sàng.

thieu_vac_xin_1_myzf.jpg 

Người dân thất vọng vì hết vaccine dịch vụ khi đưa trẻ chích ngừa tại Bệnh viện Nhi đồng 2

Tính đến ngày 11/3/2015, số lượng vaccine còn lại để cung ứng cho thị trường thành phố Hồ Chí Minh đến hết năm 2015 là hơn 16.000 liều. Số lượng vaccine Varivax (thủy đậu) của công ty Merck Sharp & Dohme cung ứng trong năm 2015 là 166.000 liều.

Số lượng vaccine Varivax (thủy đậu) của công ty Sang Pharma cung ứng trong năm 2015 là 300.000 liều cho Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh. Trong khi đó, nhu cầu tiêm vaccine dịch vụ 6 trong 1 của người dân thành phố là khoảng 150.000 liều/năm.

Trước tình hình này, các bác sĩ khuyến cáo người dân không nên chờ đợi để có vaccine dịch vụ mà nên chọn vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng, để đảm bảo sức khỏe cho con em mình.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết:  “Những bệnh nằm trong Chương trình tiêm chủng mở rộng là những bệnh dễ lây lan, di chứng nhiều và tốn kém trong điều trị. Muốn đạt được hiệu quả cho từng cá nhân thì phải chích đúng liều. Muốn đạt hiệu quả trong cả nước, thì số lượng người chích ngừa phải đủ nhiều. Nếu năm nay làm tốt mà, sang năm không làm tốt việc chích ngừa vaccine thì dịch bệnh sẽ quay trở lại”./.