Ngày này cách đây đúng 67 năm (19/8/1945-19/8/2012), hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Hà Nội đứng lên khởi nghĩa lật đổ ách thống trị của thực dân phong kiến. Đối với thế hệ thanh niên xung phong ngày ấy thì thời khắc lịch sử đó còn mãi trong tâm khảm của mỗi người.

Ở độ tuổi ngoài 80, nhưng hào khí quật khởi tại Hà Nội năm nào vẫn hiện hữu trong tâm trí cụ Trần Thái Vĩnh, sống ở Khu tập thể Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội. Cụ Vĩnh kể: Khi đó, chính thủ đoạn vơ vét bóc lột của thực dân Pháp đã khiến cho đời sống của nhân dân Hà Nội khó khăn cùng cực. Trên khắp đường phố Hà Nội, người chết đói la liệt, đâu đâu cũng nồng nặc mùi tử thi. Trong khi chính sách đàn áp cách mạng, áp bức người dân của chúng ngày một tàn ác khiến ai ai cũng căm phẫn.

Cụ Trần Thái Vĩnh khi đó tham gia lực lượng thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu. Cụ nhớ lại: “Lúc bấy giờ không có con đường nào khác là làm theo Đảng, thời cơ bắt buộc đứng dậy, vì Hà Nội nhiều người chết quá. Anh em đồng bào chết ở bên đường, đấy là bước đường cùng và phải dứng dậy. Chúng tôi chưa nghĩ đến những vấn đề lớn hơn của thế giới, dứt khoát phải độc lập dân tộc”.

CMT81_jpg.jpg

Hình ảnh không thể quên về những ngày tháng Tám lịch sử của Hà Nội (Ảnh: TL)

Xuất thân trong gia đình có truyền thống cách mạng, bà Từ Ngọc Hoa, ở số 6 Hàng Đào được giác ngộ lý tưởng cách mạng từ rất sớm. Mang bí danh là Bích Thủy-người nữ thanh niên ngày ấy dù tuổi đời mới ngoài 20 nhưng đã gan dạ vận chuyển vũ khí và chỉ thị của Trung ương đi phân phát cho các cơ sở bí mật.

Bà Hoa cho biết: Dưới sự chỉ đạo của Xứ ủy Bắc Kỳ, thành phố Hà Nội sục sôi chuẩn bị nổi dậy tổng khởi nghĩa. Mọi tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên Hà Nội hăng hái gia nhập các đoàn thể cứu quốc tuyên truyền cho Việt Minh. Cuộc biểu tình chiều 17/8 của Tổng hội công chức ủng hộ chính phủ Trần Trọng Kim đã bị những người khởi nghĩa biến thành cuộc mít tinh lớn ủng hộ Việt Minh, khởi đầu cho tinh thần mạnh mẽ của phong trào cách mạng chống giặc phát xít và đế quốc lúc bấy giờ.

“Bản thân tham gia với tinh thần hăng hái, yêu nước căm thù đế quốc không sợ hy sinh gian khổ gì cả. Bởi vì, ngay chuyến đi giao thông phải đi bộ mấy chục cây số cũng nguy hiểm, làm thế nào để mang tài liệu của Trung ương khéo léo, ngụy trang để che giấu được mắt địch nên không bao giờ nghĩ sợ chết sợ gian khổ, làm sẵn sàng hy sinh.  Tuổi thanh niên lúc bấy giờ hăng hái lắm” – bà Hoa kể lại.

Trưa 18/8/1945, đồng chí Nguyễn Khang thay mặt Xứ ủy Bắc Kỳ đã nhất trí và thông qua kế hoạch khởi nghĩa. Ngoại thành là nơi được lệnh khởi nghĩa trước. Ông Lê Đức Vân, Ủy viên thanh vận Hà Nội lãnh đạo cuộc khởi nghĩa ngoại thành ngày ấy cho biết: “Cao trào quần chúng, phải khởi nghĩa ngay, đây là thời cơ có một, vì qua cuộc biểu tình thì thấy được Nhật không động đến ta. Phương thức sẽ là tập hợp quần chúng, lấy các đội tự vệ vũ trang làm nòng cốt, tuần hành thị uy xông lên chiếm Bắc Bộ phủ, Trại Bảo an minh, tòa và những nơi trọng yếu tại Hà Nội. Quyết định ngày 19/8 sẽ khởi nghĩa, ngoại thành khởi nghĩa trước”.

Sáng sớm 19/8/1945, theo lời kêu gọi của Ủy ban Khởi nghĩa, từ khắp các ngả đường dòng người mang khẩu hiệu ủng hộ Việt Minh, cờ đỏ sao vàng đổ về trung tâm Hà Nội mỗi lúc một đông, trong đó có cả binh lính, cảnh sát của chế độ cũ cũng quay về theo cách mạng. Đoàn biểu tình hô vang khẩu hiệu “ủng hộ Việt Minh”, “Việt Nam độc lập”... nhanh chóng làm chủ tình hình tại những nơi trọng yếu… Quân Nhật ban đầu rất hung hăng, nhưng trước áp lực của quần chúng và tuyên truyền của ta nên đến chiều hôm đó phải rút quân. Cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội đã thành công rực rỡ. Đặc biệt là không gây đổ máu.

Đại tướng Nguyễn Quyết, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội lúc bấy giờ nhấn mạnh: “Cả Hà Nội mọi người đứng lên đập tan để giành chính quyền cách mạng của mình, nên thế giới đánh giá là một sự kiện lịch sử cực kỳ quan trọng, cách mạng tháng Tám là sự kiện đổi đời của dân tộc Việt Nam là chống đề quốc, chống các giai cấp bóc lột. Đồng chí Võ nguyên Giáp nói rằng, cuộc cách mạng tháng Tám ở Hà Nội không nhận được lệnh của Trung ương mà Đảng bộ Hà Nội đã lãnh đạo nhân dân Hà Nội sáng tạo, đây không chỉ là có ý nghĩa đối với Việt Nam mà còn có ý nghĩa thời đại”.

Những ký ức một thời quật khởi ấy là minh chứng cho lý tưởng cách mạng cao đẹp và anh dũng của thế hệ ngày ấy. Đó chính là ý chí đoàn kết, không cam chịu thân phận nô lệ đã làm nên thành công cho cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội, mở đầu cho thắng lợi của Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam – kỷ nguyên Độc lập – Tự do./.