Chiều 11/8, tại cuộc Họp báo Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, hiện tại, cả nước đã thực hiện tiêm hơn 11,3 triệu liều vaccine COVID-19 (trong đó tiêm 1 mũi là hơn 10,3 triệu liều, tiêm mũi 2 là hơn 1 triệu liều), trên tổng số khoảng 18 triệu liều vaccine đã cấp (chiếm khoảng 65%).
Ông Thuấn cho biết, do tốc độ cập nhật chậm nên số liệu công bố chậm so với tốc độ tiêm thực tế trên cả nước. Cụ thể, tại TP.HCM được cấp hơn 4 triệu liều vaccine và đã tiêm hơn 3,5 triệu (88,2%). Dự kiến ngày 12/8, TP.HCM sẽ tiêm hết số vaccine được cấp. Hà Nội được cấp gần 3 triệu liều vaccine và hiện tiêm được 1,5 triệu liều (khoảng 50%). Trong những ngày tới, Hà Nội sẽ tăng tốc tiêm vaccine.
Theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, không chỉ với Hà Nội và TP.HCM, Bộ Y tế đã có hướng dẫn với các tỉnh thành triển khai tiêm vaccine dựa trên số vaccine được phân bổ, theo đó, các địa phương có thể chủ động hơn trong chiến dịch tiêm chủng. Bộ Y tế cũng đôn đốc các tỉnh, thành khẩn trương tiêm vaccine và không để tồn kho, đồng thời có ý kiến nếu không triển khai tiêm hết thì sẽ chuyển vaccine cho các đơn vị khác.
“Sau khi Bộ Y tế có văn bản đôn đốc, tốc độ tiêm vaccine tại các địa phương đã được cải thiện. Tuy nhiên, quan điểm của Bộ Y tế là tiêm nhanh nhưng cần thiết phải an toàn, đảm bảo tiêm mũi nào an toàn mũi nấy. Do vậy, công tác chuẩn bị, sẵn sàng thuốc men và thiết bị hồi sức cấp cứu được chuẩn bị đầy đủ. Vì vậy, khi vaccine về nhiều hơn, chúng tôi sẽ tăng tốc tiêm chủng. Dự kiến với sự tham gia của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cùng ngành y tế, chúng ta có thể tiêm tối đa 2 triệu liều vaccine mỗi ngày”, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Với câu hỏi về điều trị bệnh nhân COVID-19, nhất là tại TP.HCM có đang trong tình trạng quá tải hay không? Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết, TP.HCM đã chuẩn bị cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng trang thiết bị y tế và con người để chủ động trong mọi tình huống, kể cả tình huống xấu xảy ra.
“Thực tế vẫn có tình trạng quá tải tại TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam tại khu vực “tầng 3” - khu hồi sức. Đây là vấn đề tâm lý khi nhiều trường hợp chưa nhất thiết phải vào “tầng 3” và hoàn toàn có thể điều trị tại BV dã chiến. Bộ Y tế đã có chỉ đạo phân tầng đúng và chuyển bệnh nhân đúng tuyến để điều trị hiệu quả”.
Quá tải do phân loại điều trị
Trả lời câu hỏi của Zing về việc có quá tải trong việc điều trị F0 và ca nhiễm F1 tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam hay không, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn thừa nhận có tình trạng này.
Ông cho biết, để đáp ứng việc điều trị, ngay từ rất sớm, Bộ Y tế đã chủ động bàn với TP.HCM chuẩn bị mọi kịch bản, như chuẩn bị vật chất, hạ tầng, làm sao có thể chủ động nhất với tình huống xấu hơn có thể xảy ra.
“Tuy nhiên, tình hình chung hiện tại có sự quá tải ở TP.HCM và các tỉnh, thành phố phía Nam. Bệnh nhân khu vực tầng 3 điều trị và khu vực hồi sức tích cực đang khá cao”, ông nói.
Theo ông Thuấn, Bộ Y tế đã chỉ đạo phải phân tầng đúng theo tình trạng bệnh nhân. Tuy nhiên, hiện một số địa phương có tình trạng quá lo, tình trạng bệnh chưa đến phải điều trị ở tầng 3 mà đã chuyển tới, gây quá tải.
“Một số bệnh nhân được phân vào tầng 3 điều trị nhưng hoàn toàn có thể điều trị ở bệnh viện dã chiến, ở bệnh viện tuyến huyện. Chúng tôi đang chỉ đạo phải phân tầng đúng. Nhưng cũng chú ý phân tầng không được muộn quá, bởi nếu chậm có nguy cơ tử vong cao. Phân tầng đúng có ý nghĩa rất quan trọng”, Thứ trưởng Thuấn nói.
Ông Thuấn cũng cho biết Bộ Y tế đã thiết lập 141 bệnh viện dã chiến, nhiều trung tâm hồi sức cấp cứu, ngay tại TP.HCM có 5 trung tâm hồi sức cấp cứu do Bộ Y tế phối hợp với thành phố vận hành, đồng thời, hơn 11.000 sinh viên ngành y, dược đã được huy động để hỗ trợ chống dịch tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam.
“Nhiều anh em y, bác sĩ từ Tết chưa về nhà. Nhiều người đã tham gia chống dịch ở Hải Dương, Bắc Giang... giờ tiếp tục hỗ trợ miền Nam...”, Thứ trưởng Bộ Y tế xúc động chia sẻ./.