Nhấn nút khởi động triển khai thi công, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Lê Hòa Bình đánh giá, dù chịu nhiều tác động của đại dịch COVID-19 nhưng tuyến Metro số 1 đã đạt 89% tổng khối lượng với nhiều dấu ấn quan trọng như: Kéo cáp trên toàn tuyến, tái lập khu vực nhà ga Ba Son, hoàn thành đóng điện trạm Điện Bình Thái, đặc biệt là nhập khẩu được 11 đoàn tàu về Việt Nam để chuẩn bị cho công tác vận hành…

Trong năm 2022, UBND TP.HCM mong muốn Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM và các nhà thầu, tiếp tục phát huy và đẩy mạnh hơn nữa tinh thần khắc phục khó khăn, nỗ lực phối hợp triển khai dự án đảm bảo an toàn, chất lượng, đúng tiến độ. Lãnh đạo Thành phố rất quan tâm đến dự án đặc biệt quan trọng này và tổ chức họp định kỳ 2 tuần/lần để đôn đốc tiến độ, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc để dự án sớm về đích theo đúng kế hoạch đề ra.

 

Ông Lê Hòa Bình nói: "Chúng ta đã trải qua rất khó khăn gần hai năm qua rồi thì lúc này quay trở lại phát triển lưu ý đầu tiên vẫn là đảm bảo an toàn, phòng chống dịch bệnh. Thứ hai là đảm bảo về chất lượng công trình. TP muốn đẩy nhanh tốc độ, tiến độ nhưng chất lượng công trình tuyệt đối không lơ là bởi đây là công trình cấp đặc biệt".

Theo ông Nguyễn Quốc Hiển, Phó Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, năm 2022 là năm bản lề của tuyến Metro 1 trước khi đưa dự án vào vận hành thương mại vào năm 2023 - năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản. Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM sẽ cố gắng cơ bản hoàn trả lại mặt bằng, khôi phục lại giao thông khu vực trung tâm Thành phố trước ngày 30/4/2022; sau đó sẽ tiến hành chạy thử nghiệm trên từng đoạn và tiếp đó trên toàn tuyến từ Depot Long Bình cho đến nhà ga Trung tâm Bến Thành trước ngày 31/12/2022./.