Trong số 42 ca nghi mắc Covid-19, có 36 ca ở khu cách ly liên quan đến các chuỗi lây nhiễm tại Công ty Wanek 2, Công ty Việt Nam House Wares, Chi nhánh Xử lý chất thải thuộc Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương và nhà trọ số 57 (khu phố Nhị Đồng 1, phường Dĩ An, thành phố Dĩ An); 3 ca được phát hiện khi bệnh nhân đi khám sàng lọc; 1 ca tại trại giam Bố Lá ở Phú Giáo (là phạm nhân được chuyển về từ Trại tạm giam Chí Hòa, TP.HCM) và 2 ca trong cộng đồng.

Như vậy, tính từ đợt dịch thứ 4, tỉnh Bình Dương ghi nhận 497 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Dịch bệnh đã xuất hiện ở 36 công ty, xí nghiệp và hàng chục khu nhà trọ công nhân. Hiện Bình Dương đang tập trung cắt đứt nguồn lây bệnh và đã kiểm soát được nhiều ổ dịch tại cộng đồng, khu nhà trọ, tại các nhà máy, công ty.

Với số ca mắc Covid-19 tăng nhanh, Bình Dương đang áp dụng thực hiện Chỉ thị số 10 của UBND tỉnh, trong đó có việc tạm dừng hoạt động tất cả chợ tự phát. Tuy nhiên, những ngày qua, nhiều người tập trung về các chợ truyền thống, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh. Trước thực tế đó, Sở Công Thương Bình Dương đã đề xuất UBND tỉnh phương án phân chia tần suất đi chợ tại các chợ truyền thống trên địa bàn, dự kiến áp dụng từ ngày 2/7.

Theo đó, Sở Công Thương sẽ hướng dẫn, hỗ trợ UBND các huyện, thị, thành phố, Ban quản lý các chợ, các doanh nghiệp kinh doanh khai thác và quản lý chợ truyền thống triển khai phương án này. Cụ thể, với tần suất đi chợ 3 ngày 1 lần, mỗi hộ sẽ được phát 5 thẻ vào chợ/15 ngày.

Thẻ có giá trị sử dụng 1 lần ở chợ bất kỳ trên địa bàn tỉnh. UBND các các xã, phường sẽ in thẻ gửi đến từng khu phố, ấp, phát cho các hộ gia đình, học sinh, sinh viên, người lao động thuê nhà. Các chợ sẽ bố trí người thu lại thẻ, lưu giữ theo ngày để phục vụ quá trình điều tra dịch tễ khi cần thiết.

Với đề xuất này của Sở Công Thương, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương cho biết sẽ họp lấy ý kiến, trên tinh thần không làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân và đảm bảo phòng chống dịch./.