Sau khi xuất hiện tình trạng cá chết hàng loạt trên sông Mã trên địa bàn, các huyện Bá Thước, Quan Hoá, Cẩm Thủy đã thành lập đoàn kiểm tra và xác định nhiều đơn vị sản xuất, chế biến luồng và vàng mã xả thải trực tiếp ra sông Mã. Chính quyền địa phương đã có báo cáo UBND tỉnh và đề xuất phương án thu hồi giấy phép hoạt động của các đơn vị này.
Theo đó trong khoảng thời gian từ ngày 15/3 đến ngày 15/4 tình trạng nước sông Mã đoạn qua huyện Bá Thước đổi màu đen bất thường, bốc mùi hôi tanh, các loài thủy sản chết bất thường, gây thiệt hại nặng nề cho người dân nuôi cá lồng. Ghi nhận đã có hơn 26 tấn cá lồng trên sông Mã của người dân bị chết.
Trước tình hình này, Huyện Bá Thước đã tổ chức kiểm tra tất cả các công ty có hoạt động chế biến lâm sản, sản xuất đũa, giấy trên địa bàn. Bước đầu, đại diện 4 công ty hoạt động sản xuất giấy, lâm sản ven sông Mã đã thừa nhận có xả thải ra sông và đoàn kiểm tra đã lập biên bản.
Ông Võ Minh Khoa, Chủ tịch UBND huyện Bá Thước cho biết, đoàn kiểm tra của huyện đã hoàn thành công tác kiểm và báo cáo, kiến nghị với UBND tỉnh Thanh Hóa có biện pháp xử lý. "Nếu các doanh nghiệp còn nhu cầu sản xuất kinh doanh thì hướng lâu dài phải đưa vào khu công nghiệp, đầu tư hệ thống xử lý nước thải, môi trường đúng quy trình vận hành, huyện dễ kiểm soát hơn. Còn nếu vẫn cho tồn tại ở vị trí cũ thì tôi đề nghị tỉnh phải rút giấy phép sản xuất giấy, vàng mã vì nếu không kiểm soát tốt rất dễ tái lại", ông Khoa nói.
Điều đáng ngại là sau khi xuất hiện hiện tượng cá chết trên sông Mã đoạn qua huyện Bá Thước, mới đây tình trạng này đã xảy ra phía hạ du sông Mã, tại huyện Cẩm Thuỷ. Cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hoá đã lấy mẫu nước, mẫu cá xét nghiệm, kết quả cho thấy, cá chết không phải do dịch bệnh.
Ông Nguyễn Đức Cường, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Thanh Hóa thông tin: "Ngay tại Bá Thước đã xác định là cá chết không phải do bệnh, bên phía Sở Nông nghiệp chỉ xác định bệnh của thuỷ sản, khi phân tích thì cá chết không phải do bệnh".
Hơn 1 tháng xảy ra tình trạng cá chết nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có kết quả xác định cá chết là do đâu. Trong khi đó, người dân sống dọc sông Mã lo lắng, nguồn nước bị ô nhiễm sẽ kéo dài, và xuôi xuống vùng hạ du. Khi chưa tìm ra nguyên nhân cá chết, chưa xác định được mức độ ô nhiễm nguồn nước sông Mã thì đồng nghĩa với việc Thanh Hoá chưa đưa ra được biện pháp xử lý vấn đề ô nhiễm nguồn nước (nếu có). Việc hoang mang, lo lắng của người dân sinh sống dọc sông Mã là điều dễ hiểu./.