BS Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) khuyên người dân chỉ nên test nhanh khi thực sự nghi ngờ. Ví dụ, trong nhà có F0, bản thân thấy triệu chứng mới làm test nhanh. Nhưng bản thân vừa tiếp xúc với F0 ở ngoài đường hoặc đi ngang qua đâu đó, nghe đồn nhà người ta có F0… thì không cần thực hiện test nhanh.
Cũng theo BS Khanh, vạch test mờ hay đậm không quan trọng, không có giá trị tiên lượng bệnh. Vì thế, mọi người không nên dựa vào đó để nói nếu vạch đậm nghĩa là bệnh còn nặng, vạch mờ là bệnh nhẹ. Điều quan trọng là sức khỏe của chúng ta ổn.
"Nếu thấy vạch test mờ mà sức khỏe không ổn thì không được. Và ngược lại, nếu vạch đậm, sức khỏe ổn thì vẫn bình thường", BS Khanh nói.
Vì sao có âm tính giả?
Theo BS Trần Văn Phúc, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội), F0 tăng nhanh những ngày gần đây khiến người dân rơi vào trạng thái lo lắng quá và quá lạm dụng kit test xét nghiệm, đặc biệt là test nhanh.
Đặc điểm của test nhanh chính là độ nhạy nhưng đôi khi độ nhạy "không tốt lắm" dẫn đến tỷ lệ dương tính giả, âm tính giả. Thực tế, nhiều người có biểu hiện bệnh rất rõ ràng như ho, sốt, đau người… nhưng khi sử dụng test nhanh kết quả âm tính, còn PCR là dương tính.
“Những trường hợp âm tính giả như vậy không hề thấp”, BS Phúc nói. Trường hợp dương tính giả xảy ra do một số nguyên nhân gây nhiễu như khi ai đó uống rượu, ăn hoa quả lên men…
BS Trần Văn Phúc chia sẻ thêm, với tốc độ lây nhiễm bệnh hiện nay có thể nhận định biến thể chủ đạo là Omicron. Với biến thể này, trên 95% các triệu chứng lâm sàng gần như không có và nếu có sẽ rất nhẹ. Như vậy, về cơ bản, bệnh nhân Covid-19 thường bệnh rất nhẹ, rất ít khi có những trường hợp nặng. Do đó, chúng ta không cần thiết phải lạm dụng quá về các vấn đề xét nghiệm. Việc xét nghiệm hàng ngày để xem xem vạch mờ hay đậm, hay lôi cả nhà ra test là sự lãng phí không cần thiết./.