Tại buổi họp báo của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM diễn ra chiều 28/3, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho biết, tới 22/3, trong chiến dịch cao điểm bảo vệ người có nguy cơ cao, TP.HCM đã lập danh sách được hơn 240.800 người thuộc nhóm này. Trong đó, đã xét nghiệm hơn 41.900 người, phát hiện hơn 1.400 người mắc COVID-19 và điều trị kịp thời với thuốc Molnupiravir. Ngoài ra đã có gần 2.900 người được tiêm phòng vaccine, trong đó có 241 người được tiêm mũi 1.
Bà Huỳnh Mai cho biết thêm, theo dõi biểu đồ dịch khoảng 1 tuần qua thì số ca mắc mới giảm nhưng số ca hỗ trợ hô hấp chưa giảm. Hiện vẫn còn 654 người cần hỗ trợ hô hấp, 84 người thở máy xâm lấn...Tín hiệu đáng mừng là số ca tử vong đã chạm đáy, chỉ khoảng 2 – 3 ca/ngày, trong đó có một số ca từ các tỉnh chuyển về. Điều đó cho thấy chiến dịch bảo vệ người nguy cơ đã có những tác dụng, số ca mắc tuy có tăng nhưng số ca nặng đã được phát hiện, can thiệp sớm…
Bà Huỳnh Mai nhấn mạnh: "Với sự nỗ lực của y bác sỹ và y tế địa phương thì số ca tử vong đang ở mức thấp nhất. Và chúng ta đang cố gắng để kéo tất cả các trường hợp đang thở máy và thở máy xâm lấn trở về trạng thái bình thường".
Cũng tại buổi họp báo, bác sỹ Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, khi Bộ Y tế có chủ trương tiêm cho trẻ từ 5 – 12 tuổi thì ngành y tế TP.HCM cũng đã có các bước chuẩn bị. Cụ thể, Sở Y tế đã phối hợp với Sở Giáo dục – Đào tạo, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, các địa phương để lập danh sách. Cụ thể, tổng số trẻ trong độ tuổi 5 – 12 tuổi là khoảng 900.000 trẻ, trong đó 12.000 trẻ chưa đi học, không đi học. Bác sỹ Nguyễn Hồng Tâm cho biết, TP đã chuẩn bị xong từ tập huấn về nhập liệu, khám sàng lọc, công tác tiêm…
Bác sỹ Nguyễn Hồng Tâm cho rằng: "Như vậy theo kế hoạch của Bộ Y tế, chúng ta chỉ đợi 2 việc. Thứ nhất là đợi hướng dẫn của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và thứ hai là đợi vaccine phân bổ về và có thể tiến hành ngay"./.