Hơn 30 năm sống trong con ngõ nhỏ trên phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, ông Nguyễn Trung Thái luôn phập phồng lo lắng mỗi khi nghe tin có vụ hỏa hoạn xảy ra. Với tình trạng ngõ rộng hơn 1m, nhà xây san sát, nhà nào cũng chỉ có duy nhất lối vào, nếu không may hỏa hoạn xảy ra, người trong nhà rất khó thoát hiểm.

"Địa bàn thì ngõ chật hẹp, đông đúc dân cư, đường đi lối lại thì bé, có thể là trường hợp xe chữa cháy đến cũng không vào được. Nhưng lực lượng dân phố được UBND phường, công an phường quán triệt thường xuyên, hàng tháng để cho anh em tập thường xuyên để chống cháy nổ", ông Thái cho biết.

Cùng cảnh ngộ như ông Thái, ông Bùi Xuân Đoàn, ở ngõ Quỳnh, Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng, Hà Nội cũng không ít lần phải thuyết phục hàng xóm để cùng thiết kế “chuồng cọp” có cửa thông sang nhau trong trường hợp khẩn cấp. Bởi nếu hàn kín ban công quá chắc chắn, chưa biết hiệu quả phòng trộm đến đâu, nhưng nếu không may hỏa hoạn xảy ra, chắc chắn mọi người khó thoát nạn: "Chúng tôi cũng vận động nhân dân bảo vệ chính tài sản của mình, nên làm những cửa thoát hiểm, chẳng hạn như anh làm nhà lồng sắt, nhưng nên có cửa thoát hiểm, thứ 2 nữa là cùng thông với hàng xóm là chúng ta có đường để thoát hiểm, bởi chúng tôi nhà liền nhau, chật chội và bà con hay làm cái lồng để bảo vệ", ông Đoàn nói.

Trước đây, những công trình riêng lẻ làm khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ từ 5 tầng trở lên hoặc có diện tích trên 5.000 m3 mới phải thiết kế phòng cháy chữa cháy, lối thoát nạn, trong khi nhà ở riêng lẻ không đặt ra yêu cầu này, chỉ đề cập tiêu chuẩn xây dựng, mật độ, chiều cao, khoảng lùi, chỉ giới...

Trung tá Nguyễn Hùng An, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, Công an quận Ba Đình cho hay, những căn nhà này thường không đảm bảo yêu cầu phòng cháy chữa cháy, từ khả năng tiếp cận của phương tiện phòng cháy chuyên nghiệp, đến phương tiện chữa cháy tại chỗ. Do vậy, cùng với việc, tuyên truyền, thuyết phục người dân tự trang bị các thang, dây tự cứu, lắp các thiết bị cảnh báo cháy sớm và làm cửa thoát nạn giữa các nhà liền kề… các vòi chữa cháy cũng được trang bị đến các khu dân cư để giảm thiểu hậu quả các vụ cháy nổ.

"Với quy định này chúng tôi hy vọng rằng người dân sẽ tự chủ động trang bị các phương tiện phòng cháy chữa cháy tại chỗ và tham gia vào các khóa tập huấn, huấn luyện để nâng cao năng lực chữa cháy tại chỗ. Cũng hy vọng trong thời gian tới các cấp chính quyền nghiên cứu, trang cấp những hệ thống cấp nước chữa cháy ngoài nhà hoặc trụ nước chữa cháy thành phố đến từng khu dân cư để đảm bảo nguồn nước phục vụ công tác chữa cháy", Trung tá Hùng An cho biết.

Ông Đỗ Trần Hải, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học an toàn và Vệ sinh lao động cũng cho hay, với những nhà ống trong ngõ rất khó đáp ứng tiêu chí mới đặt ra. Tuy vậy, việc khắc phục những bất cập này có thể thực hiện được thông qua việc lắp các hệ thống thang dây, thang cuốn để thoát hiểm cho những người sinh sống trong ngôi nhà khi xảy ra cháy nổ: "Giải pháp người ta đã làm, tức là có những chiếc thang gắn luôn vào tường để có thể thoát từ trong nhà ra. Thường thang đó đều lắp ở mặt tiền cả. Không nói giải pháp đó có thể áp dụng với nhà trong ngõ mà kể cả nhà mặt tiền, nếu không có hai lối đi", ông Hải cho biết.

Ông Trần Văn Đồng, kỹ sư an toàn phòng cháy chữa cháy, Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy cũng cho hay, quy định của UBND TP. Hà Nội cũng là những tiêu chí để các hộ gia đình đã xây dựng từ trước, chưa bị điều chỉnh bởi các quy định về phòng cháy có thể nâng cao năng lực phòng cháy chữa cháy tai chỗ: "Để đảm bảo an toàn và tránh những hậu quả đau lòng thì không chỉ UBND TP. Hà Nội mà các địa phương khác cũng đặt ra những yêu cầu dành cho nhóm hộ này để hạn chế những nguy cơ nếu chẳng may xảy ra cháy nổ tại tầng 1 chẳng hạn thì tầng 2, tầng 3 sẽ không bị ảnh hưởng thông qua những giải pháp ngăn cháy, thông qua những giải pháp dự kiến tình huống đó để ứng phó ra sao, thoát nạn ra sao…".

Không chỉ ở những ngõ nhỏ, mà ngay cả nhiều nhà mặt phố cũng được xây dựng theo kiểu nhà ống, không có lối thoát hiểm. Theo báo cáo giám sát của HĐND Hà Nội đưa ra năm 2020, toàn Thành phố có khoảng 500 nghìn nhà ống, trong đó quận Đống Đa hơn 6.000 nhà, quận Ba Đình hơn 4.000 nhà ống… Việc tuân thủ các quy định về phòng cháy chữa cháy với nhà riêng lẻ sẽ giảm thiểu thiệt hại nếu không may xảy ra cháy nổ.

Lâu nay, việc xây dựng nhà ở riêng lẻ không bắt buộc áp dụng các quy định về tiêu chuẩn phòng cháy, do đó, nếu xảy ra cháy nổ thường để lại hậu quả nặng nề, nhất là những nơi có mặt bằng hẹp, ngõ nhỏ. Việc áp dụng quy định mới về phòng cháy với nhà ở riêng lẻ của UBND Thành phố Hà Nội là thách thức, cũng là cơ hội để giảm thiểu hậu quả nếu không may xảy ra cháy nổ.

Đây cũng là góc nhìn của VOV Giao thông: "Phòng cháy nhà dân: không phải chuyện "đèn nhà ai nhà ấy báo"".

Thống kê của các cơ quan chức năng cho thấy, trong 10 năm trở lại đây, cả nước xảy ra hơn 17.000 vụ cháy nổ, làm chết 688 người, làm bị thương 1.848 người. Bên cạnh nỗi đau đớn mất mát về con người, cháy nổ cũng cướp đi ít nhất gần 5 nghìn tỷ đồng.      

Đáng chú ý, dù cảnh báo liên tục được đưa ra, song những vụ hỏa hoạn thương tâm vẫn liên tiếp xảy ra và thường gây hậu quả nặng nề nhất ở các khu đô thị cũ với thiết kế dạng nhà ống liền kề. Mỗi ngôi nhà dạng này thường chỉ có một lối ra vào là cửa chính và nằm sâu trong ngõ nhỏ, trở thành “cái bẫy” chết người vì không lối thoát hiểm.

Con số khoảng 500.000 nhà ống trên địa bàn Hà Nội cho thấy những “chiếc bẫy” này dày đặc thế nào, đe dọa an toàn của người dân ra sao nếu không may xảy ra cháy nổ.

Giải quyết bất cập với những ngôi nhà này không khó và thực tế người dân nhiều nơi đã tự thực hiện: từ việc tự trang bị thang dây, thang cuốn để thoát hiểm cho gia đình, đến việc liên kết, mở lối thoát hiểm sang các nhà liền kề… Các cấp chính quyền một số nơi cũng đã vận động người dân xây dựng trụ nước ngoài nhà, trụ chữa cháy đến các khu dân cư để có thể chữa cháy tại chỗ.

Tuy vậy, với những công trình xây mới mới thực sự là bài toán khó. Lâu nay, khi xây dựng nhà riêng lẻ, cơ quan cấp phép không đặt ra yêu cầu về hệ thống phòng cháy chữa cháy, mà chỉ đề cập tiêu chuẩn xây dựng, mật độ, chiều cao, số tầng, chỉ giới... Vì vậy, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương chủ yếu vẫn dừng lại ở tuyên truyền, nhắc nhở, khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy chứ chưa thể áp dụng biện pháp mạnh tay.

Do đó, cùng với nghị định 136/2020, quy định về phòng cháy, chữa cháy với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh do UBND TP. Hà Nội mới ban hành sẽ là một gánh nặng với UBND từ cấp quận huyện đến cấp xã, phường khi phải thẩm định, kiểm tra việc chấp hành quy định phòng cháy với nhà riêng lẻ. Song đây cũng là cơ hội để giảm thiểu thiệt hại do các vụ cháy nổ gây ra.

Khi đó, ngoài việc thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, cơ quan chức năng có thể định kỳ hoặc đột xuất kiếm tra việc chấp hành quy định đảm bảo yêu cầu phòng cháy với những công trình xây dựng cũ, đồng thời nghiên cứu, vận dụng khéo léo lồng ghép quy định khi xin cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ phải có giải pháp thoát hiểm hoặc nhắc nhở chủ công trình lưu tâm thực hiện.

Đặc biệt, việc tuyên truyền, nhắc nhở, kiểm tra việc chấp hành quy định về phòng cháy cần được hướng đến như một giải pháp để đảm bảo cho an toàn của chính người dân, để họ tự trang bị các giải pháp phòng cháy cho gia đình, chứ không phải một “giấy phép con” trong xây dựng nhà ở.

Khi các tiêu chí an toàn phòng cháy với nhà riêng lẻ, nhất là những căn nhà ống, ngõ nhỏ được xây dựng từ trước được đảm bảo, quy định về phòng cháy với nhà xây mới được tuân thủ, hậu quả của các vụ hỏa hoạn cũng sẽ được giảm thiểu./.