Những ngày gần đây, Bình Dương liên tục có ca mắc Covid-19 biến thể phụ BA.5 và BA.4 của Omicron khiến người dân lo lắng cho sức khỏe bản thân và gia đình. Người dân từ việc lơ là phòng dịch, “ngại” đi tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi nhắc lại và tiêm cho con em thì nay đã chủ động liên hệ hỏi lịch tiêm chủng.
Tuy nhiên, các điểm tiêm tại trung tâm Y tế xã, phường, thị trấn chỉ tiêm vào ngày thường nên công nhân, người lao động khó tiếp cận vaccine. Trong khi đó, tỉnh này có hơn 1,2 triệu người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp và không ít người chưa tiêm mũi 3, mũi 4.
Chị Nguyễn Thị Thư, công nhân ở thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương cho biết, trước thông tin biến thể phụ BA.4 và BA.5 lây lan nhanh, người nhiễm dễ bị chuyển nặng, công nhân công ty rủ nhau đi tiêm vaccine. Tranh thủ mỗi tuần được nghỉ ngày Chủ nhật, họ đến các trung tâm y tế tiêm chủng nhưng đành quay về vì không có lịch tiêm.
“Người lao động sống nhờ vào tiền lương hàng ngày và tiền phụ cấp chuyên cần hàng tháng do công ty chi trả nên nếu nghỉ một ngày để đi tiêm vaccine thì sẽ thiệt thòi rất nhiều, mất đi khoản phụ cấp của công ty. Công nhân mong muốn các phường tổ chức tiêm vào ngày Chủ nhật để tất cả được đi tiêm ngừa”.
Liên quan đến việc công nhân khó tiếp cận vaccine phòng Covid-19, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết, trước đó, sở đã yêu cầu các địa phương tăng cường tiêm cho người dân kể cả ban đêm, ngày nghỉ, ngày lễ. Thế nhưng, ở một số điểm tiêm, nhân viên y tế phải đỏ mắt chờ người đến. Sở sẽ yêu cầu các địa phương, doanh nghiệp rà soát lại nhu cầu tiêm chủng của người dân, công nhân để bố trí thời gian, địa điểm tiêm phù hợp.
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương nói: “Chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo y tế tuyến huyện, xã tổ chức tiêm vào cả thứ Bảy, Chủ nhật, tiêm vào ngoài giờ hành chính để tiêm cho người lao động, công nhân. Bên cạnh đó, y tế sẵn sàng tới tận nhà máy, khu phố để tiêm nếu có người đến tiêm. Nhiệm vụ của các chủ doanh nghiệp, ban quản lí phải đăng ký số lượng”.
Phát động Tháng cao điểm tiêm vaccine phòng Covid-19
Trước sự lây lan của biến thể mới, theo nhận định của chuyên gia y tế, việc tiêm vaccine phòng Covid-19 giúp cơ thể tạo miễn dịch chủ động, nhưng theo thời gian khoảng từ 4-6 tháng, kháng thể sẽ suy giảm dần. Đối với biến chủng Omicron, hiệu quả bảo vệ giảm rất nhanh do nồng độ kháng thể cần thiết để trung hòa virus ở mức cao hơn so với các biến chủng SARS-CoV-2 trước đây. Do vậy, những người đã tiêm mũi cơ bản nếu không tiêm mũi nhắc lại vẫn có nguy cơ mắc bệnh, chuyển nặng, đặc biệt là người lớn tuổi và trẻ em.
Xác định tầm quan trọng của vaccine đối với việc phòng ngừa nguy cơ dịch bùng phát, đồng thời đảm bảo sức khỏe cho người dân, lãnh đạo tỉnh Bình Dương lấy tháng 8 này làm “Tháng cao điểm tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19 và phòng, chống các loại dịch bệnh”.
Ngoài ra, Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương phát đi Công văn số 888 về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.
Ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương yêu cầu, người đứng đầu các cơ quan, địa phương chỉ đạo cả hệ thống chính trị tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, đồng loạt tổ chức Tháng cao điểm tiêm vaccine:
“Việc tổ chức tiêm, ngành Y tế phải thực hiện dưới 2 hình thức thường xuyên và lưu động, bảo đảm an toàn, đủ vaccine, vật tư, sinh phẩm cho các điểm tiêm chủng. Khối lực lượng vũ trang, công nhân viên chức là quan trọng, khi dịch xảy ra thì phải xông pha nên đề nghị các đơn vị kiểm tra lại, cán bộ, nhân viên không tiêm mà để mắc Covid-19 thì phải chịu trách nhiệm”.
Tính đến nay, về cơ bản việc tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 1, mũi 2 cho các đối tượng ở Bình Dương đều đạt chỉ tiêu, tuy nhiên tiến độ tiêm mũi 2 cho trẻ từ 5 - 11 tuổi, mũi 3 cho trẻ từ 12 - 17 tuổi và mũi 4 cho người lớn còn chậm. Tính đến ngày 5/8, toàn tỉnh Bình Dương tiêm mũi 2 cho trẻ từ 5-11 tuổi mới đạt 26,8%, mũi 3 cho trẻ từ 12 - 17 tuổi đạt 21,6% và người từ 18 tuổi trở lên tiêm mũi 4 chỉ đạt 13,1%, riêng mũi 4 cho người từ 50 tuổi trở lên thì đạt tỷ lệ 73,1%./.