Sáng 6/4, tại Hà Nội, Ủy ban ATGT Quốc gia (UBATGTQG) và Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức Lễ phát động Cuộc thi trắc nghiệm “Chung tay vì an toàn giao thông” trên mạng xã hội VCNet năm 2021”.
Phát biểu tại buổi Lễ, ông Trần Doãn Tiến – Tổng biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam cho biết, trong những năm gần đây, cả xã hội và các ngành chức năng vào cuộc với nhiều giải pháp ngăn chặn, giảm thiểu tai nạn giao thông. Song vấn đề tai nạn giao thông vẫn diễn ra rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội.
Theo số liệu thống kê, trong 4 năm (2016-2020), cả nước xảy ra 93.938 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 39.873 người, bị thương 77.743 người. Tuy số vụ TNGT và số người chết trong 2 năm 2019, 2020 giảm nhưng vẫn có ở mức rất đáng báo động. Năm 2020, theo thống kê của UBATGTQG, toàn quốc vẫn xảy ra 14.510 vụ tai nạn giao thông, làm chết 6.700 người, bị thương 10.804 người. Mới đây nhất, tai nạn giao thông 2 tháng đầu năm 2021 cũng đang rất đáng lo ngại. Cả nước vẫn xảy ra 2.355 vụ, 1.230 người chết. Bình quân mỗi ngày có 38 vụ tai nạn, 20 người chết, 29 người bị thương.
Số vụ và số người bị thương do tai nạn giao thông có giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước, nhưng số người thiệt mạng tăng 105 người so với cùng kỳ năm 2020.
“Để nâng cao nhận thức, ý chí và hành động nhằm giảm thiểu TNGT, năm 2020, Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng đã giao cho Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia tổ chức Cuộc thi trắc nghiệm này. Có thể nói Cuộc thi trắc nghiệm Chung tay vì an toàn giao thông trên mạng xã hội VCNet năm 2020 diễn ra trong hơn 3 tháng cuối năm 2020 đã thành công tốt đẹp”, ông Trần Doãn Tiến bày tỏ.
Việc tổ chức Cuộc thi “Chung tay vì ATGT” trên mạng xã hội VCNet năm 2021 có ý nghĩa rất quan trọng và thiết thực, góp phần thực hiện Kết luận số 45-KL/TW ngày 01/02/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư khóa XI về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông, đồng thời hưởng ứng năm ATGT 2021 với chủ đề “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật bảo đảm trật tự, ATGT”.
Tại lễ phát động, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết: “Theo số liệu thống kê, năm 2020 số người chết do TNGT giảm vì chúng ta đã làm nghiêm theo Nghị định 100, ngoài ra còn những yếu tố như dịch Covid-19 khiến người dân đi lại giảm,... Tuy nhiên, đến nay đã khác, vì vậy cần hâm nóng lại Nghị định 100 để làm giảm số người chết do TNGT”.
Theo ông Hùng, năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện “Thập kỷ hành động vì an toàn giao thông đường bộ” do Bộ Giao thông vận tải phối hợp Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Việt Nam phát động nhằm hưởng ứng Nghị quyết của Ðại hội đồng Liên hợp quốc về Thập kỷ hành động vì an toàn giao thông đường bộ toàn cầu (2021-2030) và và chiến lược đảm bảo chiến lược ATGT đường bộ 2021-2030.
Ông Khuất Việt Hùng nhấn mạnh, trong những năm gần đây, cả xã hội và các ngành chức năng vào cuộc với nhiều giải pháp ngăn chặn, giảm thiểu TNGT. Hiệu quả của nỗ lực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội đã kéo giảm rất sâu TNGT cả 3 tiêu chí, liên tiếp tạo nên những bước đột phá kỷ lục giảm thiểu thương vong do TNGT. Tuy nhiên, nếu ý thức, nhận thức của người dân không tốt khi tham gia giao thông, thì mọi giải pháp đảm bảo trật tự, ATGT đều thất bại.
Chính vì vậy, việc tuyên truyền phổ biến pháp luật về trật tự ATGT, xây dựng văn hóa giao thông là giải pháp nền tảng bên cạnh việc xây dựng hạ tầng, tăng cường kiểm soát giao thông. Cuộc thi trắc nghiệm “Chung tay vì an toàn giao thông” trên mạng xã hội VCNet năm 2021” là hoạt động đầu tiên về tuyên truyền đảm bảo trật tự, ATGT trong Năm ATGT 2021./.
Thể lệ Cuộc thi trắc nghiệm “Chung tay vì an toàn giao thông” năm 2021
Điều 1: Mục đích Cuộc thi
Thông qua Cuộc thi nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông; nâng cao kiến thức và ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho mọi người dân, nhất là thế hệ trẻ.
Góp phần xây dựng văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông, trang bị cho người dân các kỹ năng điều khiển phương tiện giao thông an toàn.
Điều 2: Nội dung Cuộc thi
Cuộc thi tập trung vào các nội dung kiến thức về an toàn giao thông; kỹ năng xử lý các tình huống; các hành vi ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông.
Điều 3: Đối tượng dự thi
Mọi công dân Việt Nam trong và ngoài nước có tài khoản VCNet (trừ các thành viên trong Ban Tổ chức, Ban Nội dung, Ban Thư ký Cuộc thi).
Độ tuổi dự thi: Từ đủ 14 tuổi trở lên.
Điều 4: Thời gian Cuộc thi
Từ 10h00 ngày 06/4/2021 đến 9h00 ngày 20/9/2021.
Điều 5: Hình thức thi:
Mỗi tuần, Ban Tổ chức Cuộc thi đưa ra 1 đề thi trắc nghiệm (bao gồm 10 câu hỏi) tập trung vào các nội dung kiến thức về an toàn giao thông; kỹ năng xử lý các tình huống; các hành vi ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông. Mỗi câu hỏi có một số đáp án, trong đó có 01 đáp án đúng. Thí sinh tham gia dự thi trực tuyến trên mạng xã hội VCNet.
Để đăng ký tài khoản, người dùng có thể truy cập vào đường dẫn: http://vcnet.vn hoặc tải về qua ứng dụng trên các smartphone với cụm từ: VCNet. Truy cập vào trang web hoặc ứng dụng, người dùng chọn mục “Đăng ký”, nhập số điện thoại và nhận mã kích hoạt. Điền các thông tin cá nhân, bao gồm: Tên, giới tính, ngày sinh, mật khẩu là có thể tạo ngay tài khoản một cách nhanh chóng.
Người dự thi tiến hành các thao tác để trả lời câu hỏi thi của Ban Tổ chức:
Truy cập vào trang mạng điện tử VCNet: https://vcnet.vn, sau đó truy cập vào banner của Cuộc thi; hoặc truy cập vào một trong các trang web: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam (dangcongsan.vn); Báo Nhân Dân điện tử (nhandan.org.vn); Báo Công an nhân dân (cand.com.vn); Tạp chí Tuyên giáo điện tử (tuyengiao.vn); Báo điện tử Quân đội nhân dân (qdnd.vn); Cổng thông tin điện tử Chính phủ (chinhphu.vn); VOV giao thông (vovgiaothong.vn); Báo Đại biểu nhân dân (daibieunhandan.vn); Báo Giao thông (baogiaothong.vn)… sau đó truy cập vào banner của Cuộc thi.
Trả lời câu hỏi thi: Người dự thi thao tác như sau:
(1) Đăng nhập tài khoản VCNet, truy cập vào banner của Cuộc thi và trả lời các câu hỏi bằng cách lựa chọn một trong các đáp án, sau đó điền vào ô “Dự đoán” số người trả lời đúng và bấm vào ô “Hoàn thành”.
(2) Trong trường hợp số người dự thi (từ 02 người trở lên) cùng trả lời đúng các câu hỏi, cùng dự đoán chính xác số người trả lời đúng, Ban Tổ chức sẽ căn cứ vào thời gian trả lời câu hỏi sớm nhất để trao thưởng cho người thi. Thời gian được tính từ khi bắt đầu đến khi kết thúc cuộc thi tuần (thời gian tính đến ngày, giờ, phút, giây theo thời gian thi).
Thời gian thi trắc nghiệm được tiến hành hàng tuần, bắt đầu từ 10h00’ thứ hai hằng tuần và kết thúc vào 9h00’ thứ hai tuần kế tiếp.
Mỗi người có thể dự thi nhiều lần/tuần, tuy nhiên chỉ được công nhận 01 kết quả đúng nhất và có thời gian trả lời sớm nhất trong số các lần dự thi.
Điều 6: Cơ cấu, giá trị giải thưởng
01 giải Nhất: Trị giá 2.000.000 đồng
02 giải Nhì: Mỗi giải trị giá 1.500.000 đồng
03 giải Ba: Mỗi giải trị giá 1.000.000 đồng
(Người nhận giải thưởng có trách nhiệm nộp thuế thu nhập cá nhân theo quy định)
Điều 7: Thông báo kết quả và trao thưởng:
Kết quả thi trắc nghiệm hằng tuần sẽ được công bố ngay sau khi có kết quả cuộc thi tuần (chậm nhất là 12h thứ hai hằng tuần) trên mạng xã hội VCNet, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam và các phương tiện thông tin đại chúng.
Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tặng Giấy chứng nhận cho những cá nhân đoạt các giải Nhất, Nhì, Ba hằng tuần.
Hằng tuần, Ban Thư ký Cuộc thi sẽ gửi Giấy chứng nhận cho những người đoạt giải qua đường bưu điện; đồng thời gửi tiền giải thưởng qua đường bưu điện hoặc qua tài khoản cá nhân của người đoạt giải.
Người trúng giải có trách nhiệm cung cấp đầy đủ và chính xác thông tin về tài khoản ngân hàng, số điện thoại, địa chỉ liên hệ để Ban Thư ký Cuộc thi chuyển tiền thưởng qua tài khoản.
Điều 8: Tổ chức thực hiện
Thể lệ Cuộc thi trắc nghiệm “Chung tay vì an toàn giao thông” có hiệu lực từ ngày công bố và được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng. Việc sửa đổi, điều chỉnh nội dung Thể lệ chỉ được thực hiện khi có sự đồng ý bằng văn bản của Ban Tổ chức Cuộc thi./.