Trong thời gian gần đây, những nghi án dâm ô, gạ tình, quan hệ không trong sáng liên quan đến thầy giáo liên tiếp xảy ra khiến dư luận phẫn nộ. Ngay như mới đây, mạng xã hội đang xôn xao về thông tin một giảng viên của Trường đại học Luật Hà Nội bị tố giác có hành vi gạ tình, chat sex, quan hệ không trong sáng với các sinh viên trong trường. Còn trước đó không lâu, một giảng viên khác cũng của trường Đại học Luật Hà Nội bị tố cáo đã cưỡng bức tình dục, bạo hành một cô gái. Dẫu chưa biết thực hư vụ việc thế nào, tuy nhiên những thông tin như vậy đang khiến xã hội lo ngại về những chuẩn mực đạo đức bị phá vỡ.
Sau sự việc, rất nhiều ý kiến thính giả chia sẻ với PV VOV2 đều tỏ ra phẫn nộ, bất bình trước hành vi suy đồi đạo đức của cá nhân những người giảng viên này.
Còn với chuyên gia giới, bà Lê Thị Phương Thúy cũng phải thốt lên sự căm phẫn trước câu chuyện đau lòng như vậy.
“Tôi cảm thấy rất phẫn nộ nhưng không phải là ngạc nhiên. Bởi vì chúng ta đều biết những câu chuyện này nó đã và đang xảy ra thường xuyên hằng ngày. Từ trước đến nay có rất nhiều vụ tương tự nhưng đều chỉ khơi lên mà vẫn không được giải quyết tận gốc vấn đề”. Không chỉ bày tỏ thái độ bức xúc, bà Thúy cho rằng: Đối với những người làm về công tác bình đẳng giới và phòng chống bạo lực giới thì đây là sự việc như “giọt nước tràn ly” và đã đến lúc những người có trách nhiệm không thể thỏa hiệp được nữa trước những tội ác, những hành vi băng hoại đạo đức như thế.
Cùng chung tâm trạng này, Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, một trong những người đang trực tiếp tham gia đấu tranh công lý cho vụ việc xảy ra tại trường Đại học Luật, cũng không dám tin một người làm thầy giảng về luật, công tác trong ngành sư phạm, nơi mà những chuẩn mực đạo đức, tác phong nghề nghiệp, quan hệ ứng xử luôn được đặt lên hàng đầu lại có những hành vi thú tính, chà đạp lên nhân phẩm, chà đạp lên pháp luật một cách không thể chấp nhận được.
Ai cũng căm phẫn, cũng muốn lên án nhưng thật tiếc, sau rất nhiều vụ việc tương tự đã từng xảy ra cho đến nay rất ít trường hợp được các cơ quan chức năng đi đến cùng sự việc và có một câu trả lời thỏa đáng cho dư luận cũng như một hình thức xử phạt nghiêm minh cho kẻ phạm tội. Điều này không những gây mất niềm tin cho người dân mà nó còn khiến cho hầu hết các nạn nhân đều cảm thấy không yên tâm, không được bảo vệ mỗi khi muốn lên tiếng, tố cáo sự việc.
Bà Lê Thị Phương Thúy người bao năm nay đã từng trăn trở rất nhiều về vấn đề này cho rằng hiện nay quy trình điều tra chưa đủ thân thiện để những nạn nhân đi đến cùng sự việc. Ngoài ra trong hệ thống pháp luật đang coi trọng những chứng cứ vật chất.
“Giờ chỉ có 2 người với nhau thôi thì thế nào là chứng cứ vật chất? Ai là người chứng minh được có đồng thuận hay không đồng thuận? Ai chứng minh được có vật lộn, đụng chạm thân thể hay không”, bà Thúy bức xúc đặt câu hỏi.
Không chỉ là những rào cản từ phía luật pháp mà ngay cả tư tưởng định kiến giới ăn sâu trong nếp nghĩ của người Việt cũng đang tạo nên những bất lợi khi muốn đi đến cùng sự việc cũng như phá vỡ sự im lặng của nạn nhân. Đã có không ít câu chuyện, sau khi nạn nhân tố cáo, chưa biết thực hư sự việc ra sao, thì ngay lập tức công luận, thậm chí cả truyền thông đã tìm như những lý do vô căn cứ, những giả thuyết như một sự mặc định để đổ lỗi cho nạn nhân và cả người nhà của họ. Điều đó vô hình trung đẩy nạn nhân đến sự bế tắc và buông xuôi sự việc.
“Một nền pháp lý chưa đủ thân thiện, một cộng đồng dư luận xã hội chưa đủ cảm thông, chưa đủ sức mạnh để hỗ trợ và đứng về phía những người đang được coi là nạn nhân thì câu chuyện này sẽ rất khó”, bà Thúy khẳng định.
Bị cưỡng bức, bị lạm dụng, thậm chí bị đánh đập và đe dọa đến tính mạng, nhưng đa số nạn nhân vẫn cắn răng chịu đựng, chỉ đến khi bị dồn nén đến bước đường cùng, không còn lối thoát nữa, họ mới nói ra. Khi phân tích điều này, Luật sư Ngọc Nữ muốn kêu gọi cộng đồng khi không làm được gì, không bảo vệ được nạn nhân thì xin đừng lên tiếng, chỉ trích. Bởi mỗi lời nói lên án, mỗi câu hỏi nghi ngờ… sẽ như nhát dao cứa vào nỗi đau của các nạn nhân.
Luật sư Ngọc Nữ cũng ví von, trong câu chuyện này chúng ta đang giải quyết vấn đề theo kiểu cắt ngọn của cây và như vậy cái gốc sẽ vẫn còn đó, sau một thời gian nó sẽ mọc lên những cành khác. Và nếu như cứ tiếp tục duy trì cách làm này thì sẽ còn nữa những câu chuyện tương tự như thế xảy ra.
Đến thời điểm này, trường Đại học Luật Hà Nội đã có quyết định tạm đình chỉ giảng viên liên quan đến việc tố cáo và mời cơ quan chức năng vào cuộc điều tra xác minh. Theo bà Lê Phương Thúy đây là cách xử lý kịp thời và cần thiết. Nhưng quan trọng hơn cả theo bà Thúy, với những vụ việc như thế này các cơ quan công quyền phải làm việc tận tâm, trong sáng theo đúng những quy định của pháp luật, không điều tra theo thói quen, kinh nghiệm. Ngoài ra trong quá trình giải quyết cần có sự tham gia của các tổ chức chính trị xã hội để đảm bảo sự an toàn cho nạn nhân.
Và đúng như phân tích của bà Phương Thúy, sự việc của Trường Đại học Luật lần này như "giọt nước tràn ly" và đã đến lúc những người có trách nhiệm không thể thỏa hiệp được nữa. Bởi vậy cả dư luận đều mong rằng trường hợp xảy ra ở Trường Đại học luật sẽ không rơi vào tình trạng “chìm xuống” như các vụ việc tương tự trước đó và để những con "yêu râu xanh" đang đội lốt nhà sư phạm đáng kính không còn cơ hội thực hiện các hành vi băng hoại đạo đức.
Với những nạn nhân, bà Phương Thúy khuyên rằng hãy mạnh dạn lên tiếng, không có gì phải xấu hổ, cần sống tiếp để hưởng thụ những ngày tháng tươi đẹp hơn.
“Cuộc đời mình được quyết định bằng ý chí và nghị lực của mình. Không ai sống thay mình được. Hãy mạnh mẽ để sống thật tốt!”, bà Phương Thúy đưa ra lời khuyên./.