Đoàn ĐBQH và Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Ninh phối hợp tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV chiều nay (7/5).

Hơn 300 cử tri là cán bộ, công nhân, đại diện cho hàng vạn người lao động thuộc các công ty, doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đặc biệt quan tâm đến những nội dung quan trọng của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và Luật Công đoàn (sửa đổi). Dẫn chứng tình trạng rút BHXH 1 lần vẫn đang gia tăng tại địa phương khi năm 2023 có tới hơn 8.000 trường hợp, tăng gần 2.500 trường hợp so với năm 2022, cử tri đề nghị Quốc hội quan tâm có các quy định và giải pháp tổng thể hơn để bảo vệ quyền lợi người lao động.

Cử tri Vũ Văn Bắc (TP Uông Bí) bày tỏ băn khoăn, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) sẽ giảm điều kiện về số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu xuống 15 năm, phương án này sẽ giúp nhiều người lao động được hưởng chế độ hưu trí hơn nhưng mức lương được hưởng sẽ rất thấp:

“Đề nghị Quốc hội xem xét nên có các quy định mang tính chia sẻ, hỗ trợ đối với những người lao động có mức tiền lương hưu quá thấp do số năm tham gia bảo hiểm xã hội thấp. Hiện nay, có nhiều trường hợp người lao động đi làm từ rất sớm, nên thừa năm đóng BHXH nhưng thiếu tuổi nghỉ hưu, nhất là từ khi tuổi nghỉ hưu tăng lên theo quy định của Bộ luật Lao động 2019. Đề nghị Quốc hội xem xét hoán đổi năm đóng BHXH thừa cho số năm nghỉ hưu còn thiếu để đảm bảo quyền lợi cho người lao động”.

Cử tri đại diện công đoàn ngành y tế đề xuất sửa đổi Luật theo hướng quan tâm hơn đến quyền lợi của lao động nữ, nhất là các chế độ thai sản, ốm đau, khám sức khỏe định kỳ, số lần khám thai, số ngày nghỉ để chăm sóc con của người bố. Cử tri mong muốn người lao động tham gia BHXH tự nguyện cũng sẽ được hưởng chế độ thai sản (như BHXH bắt buộc), người lao động có con từ 7 đến dưới 16 tuổi khi con ốm đau cũng được nghỉ việc để chăm sóc (hiện chỉ được nghỉ khi con dưới 7 tuổi ốm đau)…

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề xuất cần xử lý nghiêm các chủ doanh nghiệp cố tình trốn đóng BHXH, quy định quyền của công đoàn cấp trên cơ sở trong việc khởi kiện ra Tòa án để bảo vệ quyền lợi cho người lao động…

Với Luật Công đoàn (sửa đổi), cán bộ công đoàn trong các đơn vị tại Quảng Ninh đề nghị Quốc hội xem xét có giải pháp quy định biên chế cho tổ chức công đoàn để đáp ứng nhiệm vụ thực tế, đặc biệt ở những nơi có đông đoàn viên, người lao động như TP Hạ Long; tháo gỡ về chính sách tuyển dụng để có thể thu hút cán bộ công đoàn có nhiều kinh nghiệm, trưởng thành từ cơ sở…

Lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri công nhân, người lao động, các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh ghi nhận và đề nghị các cấp ngành giải đáp nhiều thắc mắc về việc làm, đời sống, các chính sách pháp luật có liên quan. Bà Đặng Thị Kim Chung, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Căn cứ chức năng nhiệm vụ, chúng tôi sẽ tiếp tục tiếp thu đầy đủ ý kiến của cán bộ đoàn viên người lao động, không chỉ trong hội nghị này mà qua nắm bắt từ cơ sở. Chúng tôi hy vọng dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và Luật Công đoàn (sửa đổi) sẽ là hành lang pháp lý vững chắc cho hoạt động của tổ chức Công đoàn trong việc đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho đoàn viên người lao động”.