Những ngày Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, siết chặt kiểm soát người ra đường không có lý do chính đáng, không khó để bắt gặp tình trạng người dân ùn ứ tại các điểm chốt kiểm soát dịch. Tại đây, lực lượng chức năng yêu cầu người dân đưa ra những giấy tờ chứng minh lý do ra đường chính đáng.
Tuy nhiên, với các chuyên gia y tế, thời điểm kiểm tra giấy tờ thủ công này cũng mang nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, kể cả khi lực lượng chức năng có dùng găng tay.
Theo BS Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam, mầm bệnh nằm trong các giọt bắn và khi bám vào giấy tờ, các bề mặt thô ráp thì virus có thể tồn tại lâu hơn, với khoảng từ 2-3 tiếng. “Nguyên tắc chung là nếu mình tiếp xúc gần và lâu với người mang mầm bệnh, không giữ được khoảng cách thì sẽ có nguy cơ lây bệnh”, BS Hà nói.
Khuyến cáo cụ thể biện pháp phòng bệnh trong hoàn cảnh này, BS Hà nhấn mạnh việc người dân chấp hành nghiêm các quy định trong thời gian giãn cách xã hội. Không có việc cần thiết thì không ra khỏi nhà, theo đó, vừa giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh cho bản thân, vừa giảm khối lực công việc cho các tổ kiểm soát dịch.
“Điều quan trọng là phải đeo khẩu trang y tế, không phải khẩu trang vải. Lực lượng chức năng và người dân luôn phải có dụng cụ sát khuẩn nhanh bên cạnh, để sát khuẩn tay sau khi kiểm tra giấy tờ. Kể cả khi sử dụng găng tay mầm bệnh vẫn có thể bám ở bề mặt, do vậy nước sát khuẩn nhanh rất cần thiết”, BS Hà khuyến cáo.
Cũng đề cập vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, việc Hà Nội đưa ra phương án siết chặt kiểm soát giấy đi đường là do đợt giãn cách xã hội trong 14 ngày đầu, người dân vẫn đi lại nhiều, đường phố vẫn đông. Từ đó, xuất hiện nguy cơ mất an toàn, nguy cơ lây lan dịch bệnh cao.
“Hạn chế người dân ra đường là điều cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến vô cùng phức tạp như hiện nay”, PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, việc kiểm soát chặt tại các chốt đã khiến nhiều người lo ngại về vấn đề đảm bảo các quy tắc phòng, chống dịch COVID-19. Do vậy, Hà Nội cần có cách làm phù hợp để vừa hạn chế người ra đường vừa hạn chế các nguy cơ lây lan.
“Cá nhân tôi đề xuất việc kiểm soát các “ngõ nhỏ, xóm nhỏ”. Thực tế, Hà Nội đang thực hiện tốt mô hình “vùng xanh an toàn” do có nhiều lực lượng tự quản. Tại đây, lực lượng chức năng kiểm soát người ra/vào, kiểm soát người lạ để bảo vệ vùng an toàn. Với lưu thông ở đường lớn, cần xử lý lưu động để kiểm tra, xử phạt những người dân vi phạm quy định và cũng để răn đe những ai vi phạm”, PGS.TS Trần Đắc Phu nói.
Trên cơ sở thực tiễn triển khai tại các địa bàn và tiếp thu ý kiến phản hồi từ người dân, cộng đồng doanh nghiệp và qua phản ánh của các cơ quan truyền thông, sáng 10/8, Văn phòng UBND thành phố Hà Nội đã có thông báo điều chỉnh việc triển khai và kiểm soát giấy đi đường phù hợp hơn.
Theo đó, người đi đường xuất trình giấy tờ tùy thân (chứng minh nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu) kèm theo giấy đi đường do cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cấp theo mẫu của UBND thành phố.
Các lực lượng, các chốt kiểm soát thực hiện nhiệm vụ tăng cường kiểm tra, giám sát và liên thông thông tin để phát hiện, nhắc nhở, kiến nghị xử lý các đơn vị cấp giấy đi đường không đúng đối tượng, không đúng mục đích trong thời gian giãn cách. Yêu cầu các lực lượng thực hiện tốt, linh hoạt, tránh gây ùn tắc, mất an toàn trong phòng, chống dịch và trên tinh thần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tổ chức, cá nhân. Đồng thời, yêu cầu UBND cấp quận, huyện, cấp phường, xã không được quy định phát sinh thêm các thủ tục, giấy tờ gây khó khăn cho tổ chức, cá nhân.
Trước đó, ngày 9/8, sau khi Hà Nội siết chặt quy định về giấy đi đường, tại nhiều chốt kiểm soát trong nội đô đã xảy ra tình trạng ùn ứ do nhiều người dân không có đủ giấy tờ cần thiết theo quy định. Tại trụ sở UBND cấp phường cũng có tình trạng người dân tập trung đông người để xin xác nhận giấy đi đường theo quy định mới./.