Công điện 1426/CĐ-TTg gửi: Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai; Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài Nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Công Thương, Quốc phòng, Công an và Ủy ban nhân dân các tỉnh: Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng và thành phố Đà Nẵng.
Theo công điện, những ngày qua, mưa lũ đã liên tiếp tại các tỉnh miền Trung, đặc biệt từ ngày 22 đến 24/10 tại các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định đã có mưa rất lớn (có nơi gần 1.000 mm trong 3 ngày) lũ trên các sông lên nhanh, ngập lụt, sạt lở đất gây chia cắt cục bộ một số khu vực.
Thủ tướng Chính phủ chia sẻ những khó khăn, mất mát của đồng bào vùng lũ; biểu dương cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp, các lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã kịp thời tổ chức sơ tán hàng nghìn hộ dân ra khỏi khu vực bị ngập sâu, nguy cơ sạt lở, lũ quét, chủ động chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp, hiệu quả, góp phần giảm thiệt hại do mưa lũ gây ra.
Hiện nay, lũ một số sông ở Quảng Nam, Quảng Ngãi còn đang ở mức cao, một số khu vực vẫn xảy ra ngập lụt; đồng thời áp thấp nhiệt đới trên biển Đông đang di chuyển về phía đất liền nước ta, theo dự báo có khả năng mạnh lên thành bão, gây gió mạnh trên biển, ven biển từ Quảng Trị đến Bình Thuận và tiếp tục gây mưa lớn tại khu vực từ Đà Nẵng đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên.
Để chủ động ứng phó áp thấp nhiệt đới, bảo đảm an toàn tính mạng của người dân và khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
UBND các tỉnh, thành phố từ Quảng Trị đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên khẩn trương rà soát, triển khai công tác ứng phó với áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão, trong đó tập trung hướng dẫn bảo đảm an toàn cho tàu thuyền hoạt động trên biển, ven biển, triển khai biện pháp bảo đảm an toàn dân cư trong trường hợp xảy ra mưa lũ lớn.
Các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Thừa Thiên Huế tập trung khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ: Tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, cứu trợ lương thực cho các hộ có nguy cơ thiếu đói, khắc phục nhanh các tuyến giao thông, hồ đập bị sự cố, xử lý bảo đảm vệ sinh môi trường sau khi lũ rút,...
Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng hỗ trợ địa phương triển khai công tác ứng phó và khắc phục hậu quả áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lũ theo đề nghị của địa phương.
Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các địa phương chỉ đạo khắc phục nhanh sự cố sạt lở trên các tuyến giao thông chính để bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt, nhất là trên tuyến quốc lộ 1A và đường sắt Bắc Nam.
Bộ Tài nguyên và Môi trường theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới, mưa lũ, dự báo, thông tin kịp thời để các cơ quan liên quan và người dân biết chủ động triển khai các biện pháp ứng phó; hướng dẫn, giám sát việc vận hành liên hồ chứa theo thẩm quyền.
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương và các bộ, ngành khác có liên quan theo chức năng quản lý Nhà nước và nhiệm vụ được giao chủ động chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn hồ đập, bảo vệ sản xuất, hệ thống điện và kịp thời hỗ trợ địa phương khắc nhanh hậu quả mưa lũ.
Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới, mưa lũ, chủ động chỉ đạo triển khai biện pháp ứng phó phù hợp với diễn biến thực tế, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, hạn chế thiệt hại do thiên tai./.