Nằm ở độ cao hơn 1.300m so với mực nước biển nên bản Phìn Chải, xã Giang Ma, huyện Tam Đường (Lai Châu) gần như quanh năm mây mù bao phủ. Những ngày qua, nhiệt độ trên địa bàn về đêm luôn ở mức dưới 10 độ C. Để bảo vệ đàn đại gia súc của gia đình, các hộ dân trong bản đã lùa đàn gia súc về các xã vùng thấp như Bản Hon, Bản Giang để tránh rét. Số còn lại được bà con nuôi nhốt tại chuồng và sử dụng bạt quây kín chuồng trại để giữ ấm.

"Gia đình tôi đã dùng bạt để quây kín cho trâu, chuẩn bị đầy đủ rơm rạ và cỏ khô cho trâu khi mùa đông đến. Gia đình cũng trồng cỏ ở trên nương, bờ ruộng và chiều đi lấy về cho trâu, bò ăn. Hôm nào lạnh quá, gia đình phải đốt lửa để sưởi ấm cho trâu bò"- anh Giàng A Cha, một người dân bản Phìn Chải, xã Giang Ma, huyện Tam Đường nói.

Xã Giang Ma có 9 bản, bao gồm 7 bản người Mông và 2 bản người Dao; 100% các hộ sống phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp. Hiện toàn xã có gần hơn 800 con trâu, bò, ngựa, trong đó có nhiều hộ chăn nuôi tập trung với số lượng đàn hàng chục con.

Ông Phạm Văn Kiện, Chủ tịch UBND xã Giang Ma cho biết: Trên địa bàn đang trải qua đợt rét đậm kéo dài của mùa đông năm nay, nền nhiệt về đêm giảm xuống còn 5-6 độ C. Để người dân chủ động trong việc phòng chống rét cho người, vật nuôi, xã đã thành lập các nhóm zalo thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết và hướng dẫn người dân cách phòng, chống rét.

"Chúng tôi đã giao nhiệm vụ cho cán bộ công chức và các trưởng bản tuyên truyền cho nhân dân về phòng, chống rét cho đàn gia súc và dự trữ thức ăn trong thời điểm rét. Cán bộ đã xuống từng bản, từng hộ gia đình rà soát những hộ gia đình đến thời điểm này chưa chuẩn bị những dụng cụ, phương tiện chống rét và dự trữ thức ăn thì chúng tôi vận động, tuyên truyền để người dân chủ động bảo vệ đàn gia súc"- ông Phạm Văn Kiện cho biết.

Để bảo vệ cho đàn gia súc hơn 32.000 con, UBND huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu đã ban hành các chỉ thị, văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi. Ngoài việc vận động người dân lùa trâu, bò từ vùng cao xuống vùng thấp, dự trữ nguồn thức ăn thô từ hơn 4.000ha lúa ngay sau khi thu hoạch, các địa phương cũng đã chăm sóc tốt cho hơn 70ha cỏ để đảm bảo nguồn thức ăn xanh khi nuôi nhốt gia súc.

"Khi mà rét đậm, rét hại xảy ra thì người dân đã chủ động di chuyển đàn gia súc, đặc biệt là đại gia súc từ vùng cao xuống vùng thấp; thực hiện việc che chắn chuồng trại cho gia súc đảm bảo được độ ấm. Bên cạnh đó, khi nhiệt độ xuống thấp hơn nữa thì thực hiện sưởi ấm, đảm bảo được các chất dinh dưỡng cũng như là độ ấm cho đàn gia súc"- ông Nguyễn Hồng Quân, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu cho biết. 

Toàn tỉnh Lai Châu hiện có gần 120.000 con đại gia súc, trong đó đàn trâu nhiều nhất, với hơn 92.000 con. 

Theo ông Nguyễn Mạnh Thưởng, Phó Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi và thú y, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu, nhờ chính quyền và cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, tuyên truyền nên người dân cũng đã ý thức hơn trong chống rét cho đàn gia súc của gia đình. Số rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp trước kia bà con thường đốt, hoặc bỏ đi, nay đã được sử dụng để phơi khô hoặc chế biến làm thức ăn cho gia súc.

"Nhiều năm qua nhờ sự vào cuộc của các cấp chính quyền, bà con cũng đã có ý thức hơn trong công tác phòng, chống đói rét cho gia súc. Hiện tại cũng đã có gần 70% số hộ có chuồng trại đảm bảo theo quy định và số hộ có dự trữ thức ăn đạt trên 60%. Trước các đợt rét, chính quyền cơ sở cũng tuyên truyền, hướng dẫn bà con che chắn chuồng trại, nên là từ đầu vụ đến giờ cũng chưa có địa phương nào báo có thiệt hại do rét"- ông Nguyễn Mạnh Thưởng cho  biết.

Với sự chủ động của người dân và ngành chức năng, cùng sự quan tâm của chính quyền các cấp, đàn đại gia súc của người dân ở Lai Châu đang được bảo vệ tốt. Đây là yếu tố quan trọng để đời sống của người dân được ổn định, phát triển, bởi với mỗi gia đình ở vùng cao thì "Con trâu là đầu cơ nghiệp"./.