Theo công văn số 4677 ngày 18/12, Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên yêu cầu Sở NN-PTNT, Sở TN-MT, Công an tỉnh và UBND thành phố Điện Biên Phủ khẩn trương kiểm tra, xác minh làm rõ nội dung phản ánh của báo chí về việc “Vùng lõi rừng đặc dụng Mường Phăng đang bị rút ruột nghiêm trọng”. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm (nếu có) theo đúng quy định của pháp luật, trường hợp vượt thẩm quyền thống nhất tham mưu cho UBND tỉnh xem xét xử lý. Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ về UBND tỉnh Điện Biên trước ngày 31/12.
UBND tỉnh Điện Biên cũng yêu cầu Sở NN-PTNT tỉnh Điện Biên, UBND thành phố Điện Biên Phủ tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc các ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh về quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, tăng cường quản lý quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh.
Ngày 18/12/2020, VOV có bài viết “Vùng lõi rừng đặc dụng Mường Phăng đang bị rút ruột nghiêm trọng”, phản ánh về việc thời gian qua, do công tác quản lý lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương, cơ quan chức năng đã dẫn đến một tình trạng “lâm tặc” bất chấp luật định mang cưa vào vùng lõi rừng đặc dụng Mường Phăng để triệt hạ cây rừng, ngang nhiên sơ chế, khai thác gỗ ngay trong vùng lõi.
Trước đó, tại buổi làm việc với phóng viên, ông Nguyễn Việt Cường, Giám đốc Ban quản lý Rừng di tích và Cảnh quan môi trường Mường Phăng (Sở NN-PTNT tỉnh Điện Biên) cho biết: hiện tại, đơn vị được UBND tỉnh Điện Biên giao quản lý 2.300ha trong tổng số 4.436 ha rừng đặc dụng Mường Phăng. Đồng thời khẳng định, tình trạng người dân vào rừng đặc dụng Mường Phăng để “ăn trộm, tỉa cây” là có thật. “Rừng bị chặt chủ rừng phải chịu trách nhiệm”.
Theo lý giải của ông Nguyễn Việt Cường, Giám đốc Ban quản lý Rừng di tích và Cảnh quan môi trường Mường Phăng, địa bàn 2 xã Mường Phăng và Pá Khoang có diện tích tự nhiên khoảng 9.000ha, trong đó quy hoạch rừng đặc dụng là 4.436ha. Số rừng tự nhiên nằm ngoài diện tích đã quy hoạch rừng đặc dụng còn lại ít, trong khi cuộc sống của người dân phụ thuộc vào rừng thì nhiều. Trước nhu cầu tất yếu thì người dân phải dựa vào rừng đặc dụng. Dân đông, với tập quán ở nhà sàn (vật liệu chủ yếu là gỗ) và nhu cầu về củi đốt nên người dân đã vào rừng “ăn trộm” củi, gỗ. Việc rừng đặc dụng bị người dân khai thác trái phép theo kiểu rải rác thì từ trước đến giờ đã xảy ra. Từ đầu năm 2020 đến nay, Ban quản lý Rừng di tích và Cảnh quan môi trường Mường Phăng đã phát hiện, lập biên bản 10 vụ khai thác, vận chuyển gỗ trái phép trong rừng đặc dụng và bàn giao hồ sơ vụ việc cho Hạt kiểm lâm thành phố Điện Biên Phủ giải quyết, xử lý.
Cao điểm hàng năm là từ tháng 11, khi mực nước lòng hồ Pá Khoang (diện tích lưu vực rộng 2.400 ha, nằm dàn trải, xen kẽ với rừng đặc dụng) tích nước, mực nước lòng hồ dâng cao, rất thuận lợi về giao thông đường thủy. Lợi dụng điều này, vào ban đêm người dân trên địa bàn lén lút vào rừng khai thác gỗ rồi vận chuyển về nhà bằng thuyền gỗ. Nếu quãng đường về nhà gần thì người dân khiêng, vác thủ công. Các loài cây thường lọt vào “tầm ngắm” của người dân, khai thác về làm cột nhà sàn là cây Tô Hạp, cây Mạy Thồ Lộ, cây Dẻ... Để đủ số lượng gỗ cho một bộ nhà sàn, người dân phải tích trữ trong thời gian khoảng 3 năm. Trong gần 50 bản thuộc địa bàn 2 xã Mường Phăng, Pá Khoang thì có một số bản trở thành “điểm nóng” về tình trạng khai thác trái phép rừng đặc dụng, như: bản Xôm, bản Kéo, bản Đông Mệt… Đây là những bản gần mép nước hồ Pá Khoang.
Theo quyết định 1976/QĐ-TTg ngày 30/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng cả nước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, rừng đặc dụng Mường Phăng được quy hoạch chuyển tiếp, có chức năng bảo vệ di tích chiến dịch Điện Biên Phủ (di tích quốc gia đặc biệt). Trong rừng đặc dụng Mường Phăng có khu rừng thuộc Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ là khu rừng tự nhiên nguyên sinh.
Ngoài ra, tại xã Pá Khoang, Mường Phăng là rừng tái sinh. Đến nay trạng thái cây rừng trong rừng đặc dụng đã đạt tới trạng thái loại 3, có những hệ thống thực vật, sinh cảnh phục hồi rất tốt, rất đặc trưng của khu vực Tây Bắc, đảm bảo việc giữ gìn, bảo tồn các nguồn gen động vật, thực vật.
Tại rừng đặc dụng Mường Phăng, phân bố ở độ cao trên 900m so với mực nước biển là các loại cây đặc trưng, chủ yếu như: cây Dẻ, cây Tô Hạp Điện Biên, cây Vối Thuốc và một số cây lá rộng. Rừng đặc dụng Mường Phăng bao năm nay đã thực hiện chức năng đảm bảo giữ ổn định cho nguồn nước hồ thủy lợi Pá Khoang- có dung tích lớn nhất trong hệ thống hồ chứa của tỉnh Điện Biên; có chức năng phục vụ cho các công trình thủy điện ở hạ lưu và cung cấp nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp cho cả cánh đồng Mường Thanh - vựa lúa Tây Bắc./.