Nhằm sớm đẩy lùi dịch bệnh, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo cho 19 tỉnh, thành khu vực phía Nam, trong đó có khu vực ĐBSCL áp dụng Chỉ thị 16 để triển khai công tác phòng chống dịch bệnh. Vậy hiện nay, các tỉnh quyết liệt triển khai sự chỉ đạo này như thế nào.

Sau khi nhận được chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ đối với một số tỉnh thành khu vực phía Nam, thành phố Cần Thơ đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu về sự cần thiết trong việc triển khai và thực hiện Chỉ thị 16 trong toàn thành phố.

Trong vòng 14 ngày tới thành phố Cần Thơ sẽ tiếp tục thực hiện cách ly toàn thành phố theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, tổ dân phố cách ly với tổ nhân dân phố, ấp cách ly với ấp, xã - phường - thị trấn cách ly với xã - phường - thị trấn, quận - huyện. 

Nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng, thành phố yêu cầu mọi người dân ở nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết. Đồng thời chỉ đạo công an xử phạt thật nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm. Các quy định phòng, chống dịch của địa phương được người dân đồng tình ủng hộ.

Chị Nguyễn Thị Hồng Hà, một người dân ở quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ cho biết: “Bán thì hàng ngày cũng có thu nhập vô ra, bây giờ không bán thì mình cắt chi phí giảm bớt. Quan trọng là giữ sức khỏe gia đình, còn kinh tế thì có thể tiết kiệm lại”.

Tại Vĩnh Long, sáng 18/7, địa phương ghi nhận thêm 7 trường hợp mắc mới trong cộng đồng. Các trường hợp F1 của các ca này liên quan chuỗi lây nhiễm Công ty Tỷ Xuân đã cách ly tập trung trước đó.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, tất cả các huyện, thị, thành phố trong tỉnh kiện toàn bộ máy chỉ đạo các cấp đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mọi người dân hiểu và chấp hành.

“Huyện đã tiến hành kiện toàn lại Ban chỉ đạo của 2 cấp do Bí thư cấp ủy làm trưởng ban, đồng thời chỉ đạo UBND huyện thành lập các tổ công tác để phụ trách truy vết, tiếp nhận và xử lý thông tin, tuần tra, kiểm tra, xử lý vấn đề chấp hành phòng, chống dịch cũng như công tác hậu cần đảm bảo hỗ trợ kịp thời cho người dân ở khu vực phong tỏa cũng như ở khu vực khách ly. Tính đến nay Vĩnh Long đã ghi nhận 321 ca cộng đồng, trong đó có 1 trường hợp đã tử vong”, ông Hồ Văn Minh, Bí thư huyện ủy Long Hồ cho biết thêm.

Tại tỉnh Bến Tre, để thực hiện tốt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ vừa đảm bảo phòng chống dịch vừa không làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng hàng hóa, ông Nguyễn Văn Bé Sáu, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bến Tre cho biết, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo vấn đề này.

Bến Tre sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, người dân vận chuyển hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh, không để xảy ra khan hàng, sốt giá hay hàng hóa địa phương bị ứ đọng.

Sáng 18/7, UBND tỉnh tiếp tục họp bàn có phương án cụ thể, giao nhiệm vụ cho từng sở, ngành, địa phương phối hợp thực hiện trên tinh thần vừa chống dịch vừa đảm bảo sản xuất.

“Chủ trương của tỉnh sắp tới để thực hiện giãn cách được thuận lợi, ưu tiên cho các phương tiện vận chuyển hàng hóa, tránh trường hợp thiếu hàng hóa gây khó khăn cho đời sống bà con. Việc này, UBND tỉnh mới chỉ đạo, có văn bản vừa ký. Lúc 9h sáng 18/7, UBND tỉnh sẽ họp cho chủ trương chung, trong đó ưu tiên cho vấn đề vận chuyển lương thực, thực phẩm phục vụ cho bà con”, ông Nguyễn Văn Bé Sáu chia sẻ.

Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về việc giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19 được doanh nghiệp, người dân tỉnh Tiền Giang đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, người dân và doanh nghiệp đề nghị chính quyền và các ngành chức năng nên nghiên cứu, có giải pháp để cho người dân và phương tiện lưu thông khi cần thiết, nhất là vận chuyển hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm, vật tư y tế. Ngành chức năng cũng cần xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng cơ chế, chính sách để lưu thông kém an toàn dịch bệnh.

“Bây giờ tất cả các xe vận chuyển hàng hóa phải đăng ký, kể cả xe thu mua nông sản thì mới được duyệt. Chính quyền địa phương phải có hướng cho xe đó vô xã nào để mua rau cải, rau quả thì xe đó được đăng ký, có phân luồng đi đàng hoàng, tránh trường hợp chạy loạn. Kể cả xe từ thiện, nhiều khi họ lợi dụng từ thiện đi lung tung. Nên việc các xe đều phải đăng ký, xã xác nhận vào khu vực đó và được test là xong. Những trường hợp cấp cứu về sức khỏe là phải được giải quyết, không cần giấy tờ”, ông Nguyễn Văn Năm, một người dân thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang nêu ý kiến.

Các địa phương khu vực ĐBSCL hiện đang triển khai quyết liệt để tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng chính phủ từ ngày 19/7 tới. Trong đó đặc biệt quan tâm đến việc cung cấp hàng hóa thiết yếu cho người dân trong khu vực phong tỏa, chăm lo tốt đời sống kinh tế người nghèo và người trong khu vực cách ly; tuyên truyền vận động để người dân tham cùng các cấp chính quyền thực hiện sớm đẩy lùi dịch bệnh này./.