UBND tỉnh Bình Thuận cũng quy định các tiêu chí đặc thù về đóng mới, cải hoán, thuê, mua tàu cá hoạt động trên biển. Theo đó, tàu cá đóng mới phải có chiều dài hơn 15 mét, vỏ thép hoặc vỏ vật liệu mới, tổng công suất máy chính từ 295 KW (400 CV) trở lên; trường hợp đóng mới tàu cá thay thế thì tàu cá đóng mới thay thế phải có chiều dài hơn 12 mét. 

Tàu cá cải hoán phải có chiều dài hơn 6 mét và không được cải hoán tàu cá đang làm các nghề khác sang nghề lưới kéo; trường hợp cải hoán tàu cá nghề lưới kéo sang các nghề khác hoặc cải hoán tàu cá để nâng vùng hoạt động từ vùng bờ sang vùng lộng, từ vùng lộng sang vùng khơi thì phải phù hợp với quy định khai thác thủy sản trên biển của tỉnh.

Đối với tàu cá thuê, mua phải có đầy đủ giấy tờ hợp pháp, đang hoạt động và có thời gian sử dụng không quá 10 năm đối với tàu vỏ gỗ, không quá 15 năm đối với tàu vỏ thép, vỏ composite, vỏ vật liệu mới. Trường hợp thuê, mua tàu cá ngoài tỉnh thì tàu cá thuê, mua phải có chiều dài hơn 15 mét, có tổng công suất từ 295 KW (400 CV) trở lên.

Bình Thuận hiện có 1.853/1.894 tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đạt 97,8%. Toàn tỉnh hiện có khoảng 600 tàu cá cải hoán hầm bảo quản bằng vật liệu cách nhiệt Polyurethan (PU) để thay thế hầm bảo quản truyền thống; khoảng 100 tàu trang bị hầm cấp đông.

Trong năm 2021, tuy bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 nhưng sản lượng khai thác thủy sản của Bình Thuận đạt 225.211 tấn, tăng 1,8% so năm 2020. Trong đó khai thác biển đạt trên 224.872 tấn, tăng 1,8%./.