Đoàn công tác đã kiểm tra 2 đơn vị điều trị Covid-19 thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương là Bệnh viện dã chiến 3, tại phường Chánh Phú Hòa, thị xã Bến Cát, hiện đang điều trị cho 249 bệnh nhân và Bệnh viện Đa khoa tỉnh cơ sở 2, ở phường Phú Chánh, thị xã Tân Uyên, đang điều trị cho 115 bệnh nhân mắc Covid-19.

Đoàn đánh giá cao công tác chuẩn bị, chuyển đổi công năng của bệnh viện tỉnh tại các bệnh viện cũ, hoặc bệnh viện dã chiến; đồng thời yêu cầu đội ngũ y tế tuyến tỉnh cần tăng cường nhân lực cho công tác điều trị các bệnh nhân Covid-19 tại các tuyến cơ sở.

Sau đó, Đoàn đã đến kiểm tra công tác phòng, chống Covid-19 ở Công ty TNHH Saigon Stec, Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore II (phường Hòa Phú, thành phố Thủ Dầu Một) và làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Dương về các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn, đặc biệt là trong các khu, cụm công nghiệp.

Theo Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 tỉnh Bình Dương, từ đầu đợt dịch lần thứ 4 đến nay, địa phương này có 1.814 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Dịch bệnh đã lây lan tại 48 công ty trong và ngoài khu công nghiệp với hơn 1.000 công nhân mắc Covid-19. Đợt dịch này, Bình Dương cũng đã có 2 ca tử vong do Covid-19.

Dự báo ca bệnh sẽ tiếp tục tăng trong khoảng 10 ngày tới (dao động từ 70-150 ca/ngày) khi ngành Y tế tăng cường lấy mẫu xét nghiệm diện rộng. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Bình Dương đề xuất Bộ Y tế hỗ trợ trang thiết bị, máy thở và nhân lực bác sỹ, điều dưỡng để điều trị. Hiện nhu cầu đang cần 500 y, bác sĩ, điều dưỡng. Trước mắt, tỉnh đề nghị Bộ Y tế chi viện cho Bình Dương từ 100 - 200 y, bác sĩ, điều dưỡng; đồng thời thành lập bệnh viện dã chiến tại Bình Dương do Bộ Quốc phòng và Quân khu 7 hỗ trợ.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho rằng, Bình Dương phải kiểm soát dịch bệnh càng sớm càng tốt và không thể lấy lý do lo sản xuất kinh doanh mà không phòng chống dịch quyết liệt. Địa phương phải tổ chức các đoàn kiểm tra các đơn vị cơ sở kinh doanh sản xuất, doanh nghiệp, nếu không đảm bảo thì yêu cầu ngừng hoạt động. Khuyến khích doanh nghiệp bố trí chỗ ở lại cho công nhân, hoặc giảm bớt người làm tại nhà máy để đảm bảo "nhiệm vụ kép" vừa sản xuất, vừa chống dịch.

Bình Dương phải siết chặt hơn Chỉ thị 16 ở các địa phương; tăng cường năng lực xét nghiệm nhanh. Đối với nhân lực, vật lực còn thiếu, Bộ Y tế sẽ huy động để hỗ trợ Bình Dương và ưu tiên vaccine để tỉnh tiêm ngừa cho lực lượng tuyến đầu và công nhân.

“Trong tháng 7 này sẽ có 240.000 liều vaccine cấp cho tỉnh Bình Dương. Bộ Y tế đề nghị tỉnh Bình Dương xây dựng kế hoạch để đảm bảo hiệu quả tiêm chủng và tổ chức tiêm chủng đúng đối tượng của tinh thần Nghị quyết số 21 của Thủ tướng Chính phủ. Bình Dương cân nhắc tình hình dịch tại địa phương, cũng như yêu cầu đảm bảo sản xuất của các khu công nghiệp nên có thể cân nhắc bố trí tiêm cho công nhân ở các nhà máy trọng điểm”, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết./.