Nhiều người cảm thấy mệt mỏi với quy định về giấy đi đường mới
Từ 6h sáng 6/9, Hà Nội chính thức áp dụng Chỉ thị 20 khi phân chia toàn thành phố thành 3 Vùng, đặt mục tiêu sớm khống chế được dịch Covid-19 và dần dần khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trong sáng cùng ngày, mặc dù mới dừng lại ở việc kiểm tra, tuyên truyền, hướng dẫn người dân tuân thủ các quy định mới như cập nhật giấy đi đường có mã QR,… nhưng tại một số chốt bảo vệ Vùng 1 (vùng đỏ) đã xảy ra tình trạng tắc nghẽn kéo dài.
Nhiều người dân bày tỏ bức xúc khi phải chịu đựng những phiền toái gây ra từ việc thay đổi của TP Hà Nội. Đặc biệt là việc kiểm soát này gây ra tắc đường, tạo ra nguy cơ lây lan dịch rất lớn khi tập trung đông người trong thời gian giãn cách.
Ghi nhận trong sáng 6/9, tại các chốt kiểm soát người dân ra vào Vùng 1, hầu hết người dân vẫn chưa thể đáp ứng đủ các điều kiện theo Chỉ thị 20. Đặc biệt là việc giấy đi đường theo quy định mới, việc xin cấp gặp không ít những khó khăn.
Chia sẻ với phóng viên VOV.VN tại chốt kiểm soát QL32 hướng vào trung tâm Hà Nội, ông Phan Khắc Thành cho biết: “Ngày nào tôi cũng di chuyển từ huyện Đan Phượng (Vùng 3 – tức vùng xanh) đến Cầu Giấy (Vùng 1 – tức vùng đỏ) để làm việc. Với tình hình dịch bệnh như hiện nay, việc siết chặt quản lý bằng việc cấp mẫu giấy đi đường mới là cần thiết. Tuy nhiên việc cấp đổi như thế nào cho thuận tiện và phù hợp lại là việc nên suy nghĩ, bởi cứ mỗi lần Hà Nội kéo dài thời gian giãn cách lại một quy định mới về giấy đi đường, thật là bất cập, khiến người dân như chúng tôi rất hoang mang”.
Anh Vũ làm việc tại công ty cung ứng thực phẩm, di chuyển từ đường Tây Sơn (quận Đống Đa, Hà Nội – thuộc Vùng đỏ) sang địa bàn quận Long Biên (vùng vàng) bức xúc: “Tính đến hôm nay, tính ra mới chỉ khoảng 40 ngày thực hiện giãn cách, TP. Hà Nội đã cấp mới, đổi đi đổi lại hơn 4 lần. Mặc dù việc đổi, cấp giấy đi đường của tôi được các bộ phận trách nhiệm của Công ty đi làm và những cơ quan chức trách sẽ thẩm định và cấp, tuy nhiên tôi thấy rất rắc rối, tạo ra những lãng phí rất lớn không cần thiết”.
Ông Vũ Đức Lực di chuyển từ Ngã Tư Sở sang quận Long Biên bức xúc chia sẻ: "Không chỉ tôi mà hôm nay đa phần người dân khi đi qua chốt kiểm soát ở đường Trần Nhật Duật này đều không có giấy đi đường mới. Hầu hết các cơ quan chức năng chưa cấp kịp giấy đi đường cho người dân, đặc biệt dưới Phường, Xã tình trạng này càng khó khăn hơn gấp bội… mặc dù các doanh nghiệp, người dân đăng ký từ sớm”.
Theo ông Lực, việc cấp giấy đi đường mới này khiến ông cảm thấy có nhiều sự chồng chéo nhất định, gây khó khăn, mất thời gian, tốn chi phí đi lại cho người dân, doanh nghiệp. Trong khi chính quyền cũng tốn phí không kém.
“Tôi thấy cứ mỗi lúc lại làm một kiểu. Đây không phải là lần đầu tiên thay đổi, nhiều lần trước, đùng một cái thay đổi ngay trong đêm xong sáng hôm sau kiểm tra xử lý ngay. Như thế khiến người dân, doanh nghiệp không biết đâu mà theo kịp. Nhiều thời điểm, quy định đưa ra thiếu thống nhất... rồi lại thu về khiến dân và doanh nghiệp rất mệt mỏi. Thời gian tới tôi mong muốn TP.Hà Nội nếu đưa ra quy định gì thì cần cân nhắc kĩ lưỡng,...tránh tình trạng khi đi vào áp dụng trong thực tế sẽ phát sinh nhiều vấn đề gây thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp”, ông Lực chia sẻ thêm.
Hà Nội nỗ lực đẩy nhanh tốc độ cấp giấy đi đường mới
Theo Phòng CSGT (Công an TP Hà Nội), nhằm rút ngắn thời gian cấp giấy đi đường, đơn vị này đã, đang chủ động thông báo, tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân gửi đăng ký về để làm giấy đi đường theo quy định mới.
Cụ thể đơn vị này đang tăng cường nhân lực, ăn nghỉ tại chỗ, làm việc 24/24. Tăng cường trang thiết bị hiện đại nhất để phục vụ việc cấp giấy đi đường cho người dân. Phấn đấu rút ngắn quy trình duyệt cấp mã QR code thực hiện trong từ 3-5 phút và có thể đặt mục tiêu rút ngắn hơn nữa để đáp ứng nhu cầu của nhân dân.
“Chúng tôi phấn đấu trong ngày thứ 2, thứ 3 phải rà soát, cấp xong giấy đi đường cho các đối đượng liên quan. Trước mắt công an thành phố và Phòng CSGT đã chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ, bắt đầu từ ngày 6/9, vừa phải kiểm soát nghiêm số lượng người được cấp giấy đi đường mới, vừa kiểm soát người dân chưa được cấp mà phải sử dụng giấy đi đường cũ. Tuy nhiên, sau ngày mai thì chúng tôi sẽ tuyệt đối kiểm tra nghiêm về tất cả giấy đi đường mới”, Đại tá Dương Đức Hải Trưởng phòng CSGT Hà Nội chia sẻ.
Theo Đại tá Hải, từ 17h ngày 5/9, đến 5h ngày 6/9, Phòng CSGT đã cấp được hơn 20.000 giấy đi đường. Trong ngày 6/9, sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ, đáp ứng đúng chỉ đạo của TP Hà Nội về cấp giấy đi đường cho các đối tượng.
Cùng với đó, sẽ chỉ đạo lực lượng chức năng tại 39 chốt kiểm soát Vùng đỏ tạm thời sẽ tập trung chính vào tuyên truyền, nhắc nhở, hướng dẫn người dân thực hiện làm giấy đi đường theo Chỉ thị 20 của TP. Đề xuất xử lý những trường hợp ra đường không có lý do chính đáng, vi phạm các quy định hiện hành. Khuyến cáo nhân dân, trong những ngày tới chấp hành nghiêm Chỉ thị 20, ai ở đâu ở yên đó chứ chưa vội xử lý những trường hợp chưa có giấy đi đường theo mẫu mới.
Trong khi đó, thông tin tại cuộc họp Giao ban Sở Chỉ huy Thành phố Hà Nội với các quận, huyện, thị xã, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, biện pháp cấp giấy đi đường là vấn đề mới, việc khó, chưa từng có tiền lệ, quan điểm mục tiêu quản lý vùng 1 thực chất hơn, giảm lượng người ra đường, tuy nhiên, Thành phố cũng xác định làm quyết liệt nhưng chưa cầu toàn.
“Để chuẩn bị chu đáo cho công tác cấp giấy đi đường theo quy trình mới và tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp, trong 2 ngày 6 và 7/9, các lực lượng chức năng của Thành phố chỉ kiểm tra nhắc nhở, xử phạt đối với những trường hợp ra đường không có lý do chính đáng”, ông Chu Ngọc Anh chỉ đạo.
Theo ông Chu Ngọc Anh, khi vận hành các chốt, vùng 1, 2, 3 thì Thành phố sẽ tiến hành theo cách linh hoạt, chủ yếu kiểm tra, nhắc nhở, đồng thời từ thực tế việc lưu thông của người dân theo giấy đi đường mới sẽ đánh giá, phân tích để đưa ra biện pháp tối ưu. Người dân, doanh nghiệp có thể liên hệ Tổng đài 1022 - Nhánh 4 để được hướng dẫn cụ thể./.