Đây là khuyến cáo giới chuyên gia tại cuộc họp trực tuyến sáng 24/5 của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 với 2 tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh.
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết, hiện tại, các ca mắc COVID-19 mới trên địa bàn tỉnh liên quan đến khu công nghiệp vẫn tăng ở mức cao, chủ yếu trong khu cách ly và phần lớn của Công ty Hosiden Việt Nam (khu công nghiệp Quang Châu). Khoảng 4.000 công nhân của công ty này đang cách ly, do đó, dự kiến sẽ tiếp tục có thêm các ca mắc mới.
>> Bắc Giang cải thiện khâu lấy mẫu xét nghiệm và cách ly chống dịch COVID-19
Đáng chú ý, gần đây, mỗi ngày Bắc Giang ghi nhận từ 4 đến 8 ca trong cộng đồng, chủ yếu do tiếp xúc gần với ca lây nhiễm trong khu công nghiệp, vì vậy, tỉnh cũng đang tập trung để phòng, chống dịch trong cộng đồng, nhất là tại khu vực nhà trọ công nhân. Bên cạnh đó, Bắc Giang cũng đang tập trung giải quyết các vấn đề an sinh xã hội cho khoảng 60.000 công nhân đến từ 61 tỉnh, thành phố làm việc tại 4 khu công nghiệp đang tạm thời đóng cửa vì dịch bệnh.
Với Bắc Ninh, Giám đốc Sở Y tế Tô Thị Mai Hoa cho biết, tính đến 6h sáng 24/5, Bắc Ninh phát hiện 499 ca dương tính, trong đó, điều trị trên địa bàn tỉnh 480 ca, với 34 bệnh nhân nặng. Tỉnh đã rà soát được gần 37.000 trường hợp F1 và F2. Trong đó, cách ly y tế 31.000 trường hợp. Tổng số mẫu xét nghiệm 338.786 mẫu, trong đó, hơn 335.000 mẫu có kết quả.
Bắc Ninh đang xây dựng kế hoạch ứng phó với tình huống có trên 1.000 người mắc, trong đó, dự kiến 25-30% ca nặng và 10% ca rất nặng. Đồng thời, sẵn sàng cho kịch bản của 30.000 ca mắc của Bộ Y tế. Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh cũng đề nghị Bộ Y tế sớm ban hành hướng dẫn tạm thời về cách ly y tế các ca F1 tại nhà, để tỉnh chuẩn bị phương án triển khai thí điểm trong thời gian tới trong tình huống số ca mắc và số F1 tăng cao.
Về vấn đề cách ly F1 tại nhà, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) nhấn mạnh, với diễn biến dịch bệnh trong các khu công nghiệp ở Bắc Ninh, Bắc Giang hiện nay có hàng chục nghìn F1, nên cần những biện pháp ứng phó phù hợp và linh hoạt.
Theo phân tích của ông Trần Đắc Phu, trong một nhà máy khi có ca mắc, thì toàn bộ công nhân nhà máy đó được coi là F1 và được xét nghiệm PCR theo mẫu đơn, phải cách ly tập trung.
“Tuy nhiên, thay vì áp dụng may móc như vậy, chúng ta cần phân loại F1 thành nhóm nguy cơ cao là người làm cùng bộ phận, phân xưởng và những F1 ít nguy cơhơn để từ đó áp dụng kết hợp xét nghiệm PCR mẫu đơn, xét nghiệm nhanh, xét nghiệm mẫu gộp nhiều mẫu đơn. Theo đó, thực hiện cách ly tập trung đối với F1 nguy cơ cao; cách ly nghiêm ngặt tại nhà đối với F1 nguy cơ thấp như chúng ta đã cách ly tại nhà đối với F2”, ông Phu nói.
>> 6 giờ qua, Việt Nam có thêm 33 ca mắc COVID-19 mới trong nước
Các chuyên gia cũng đề xuất Bộ Y tế cần có ngay hướng dẫn về vấn đề này, trước mắt có thể áp dụng trong các khu công nghiệp ở Bắc Giang và Bắc Ninh.
Bên cạnh đó, Bắc Giang, Bắc Ninh cũng đang lên phương án để mở cửa cho các nhà máy, khu công nghiệp hoạt động trở lại có sự hỗ trợ, giám sát của ngành y tế để bảo đảm an toàn dịch bệnh. Tuy nhiên, hai tỉnh này đang rất chờ đợi văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư./.