Do hệ thống dây, cột kém chất lượng, cũ kỹ, xuống cấp, nên điện không ổn định, thiếu an toàn. Hệ thống cũ gây hao tổn điện năng lớn còn khiến các hộ phải trả tiền điện giá cao hơn 2-3 lần so với giá quy định.
Đường dây điện tạm nối từ trụ tổng xã Cư Ni về xóm 4 thôn Quảng Cư 2 có chiều gần 2 cây số, có rất nhiều kích cỡ dây lớn, nhỏ; nhiều chủng loại giăng mắc chằng chịt trên những cột gỗ siêu vẹo hay thậm chí thân cây tươi.
Ông Bế Văn Viện, người dân xóm 4 thôn Quảng Cư 2, xã Cư Ni cho biết, dây và cột điện ở đây đều do các gia đình trong thôn tự mua sắm, đấu nối từ năm 2005. Đến nay, cột đã mục, dây đã lão hóa nên nguồn điện vào nhà rất yếu. Trong giờ cao điểm, các quạt máy đều chạy lờ đờ, màn hình tivi thì bị thu nhỏ lại, cơm nấu nồi điện thì cả tiếng đồng hồ không chín…. Dù hiệu quả sử dụng điện không cao, nhưng gia đình ông và bà con trong xóm luôn phải trả tiền điện cao gấp 2-3 lần giá điện hiện hành.
“Nhà tôi có 5 khẩu, một tháng điện chỉ thắp sáng với cắm cơm thôi mà hết 400.000 – 500.000 đồng. Các hộ dân ở trung tâm xã có điện lưới thì chỉ phải trả hơn 2.000 đồng/kw điện, ở đây chúng tôi phải trả 4.000-5.000 đồng/kw điện, có lúc hơn lên đến 6.000 đồng. Bà con kiến nghị các ban ngành quan tâm đầu tư hỗ trợ làm đường điện giúp bà con để sử dụng điện an toàn giảm chi phí tiền điện".
Ông Lê Văn Thưởng, Trưởng thôn Quảng Cư 2, xã Cư Ni xác nhận, thôn Quảng Cư 2 có 142 hộ thì có tới một nửa phải sử dụng đường điện tạm bợ với giá điện cao trong nhiều năm qua, tập trung ở các xóm 2 và 4. Ông Thưởng cho biết, ngoài việc trả tiền điện giá cao thì các đường dây điện tạm bợ là nguồn nguy hiểm tiềm tàng, đe dọa bà con trong thôn.
“Từ năm 2005-2006 bà con ở xóm 2 và 4 tự phát kéo các đường điện xương cá gồm 4 nhánh để cho 15-16 hộ/nhánh sử dụng điện. Đường dây tự phát đấu nối từ điểm hạ thế ở xã về dài 1,7 -1,8 km rất xập xệ và đã xuống cấp trầm trọng nên rất nguy hiểm. Vào mùa mưa các cháu đi học, bà con đi làm rẫy cũng nguy hiểm vì có thể bị điện giật bất cứ lúc nào, điện sử dụng thì không ổn định", ông Thưởng nói.
Toàn xã Cư Ni huyện Ea Kar hiện có 4.300 hộ, tập trung ở 23 thôn buôn. Ông Nhữ Minh Tuyến, Chủ tịch UBND xã cho biết, hiện xã còn 193 hộ dân ở các cụm dân cư thuộc thôn 4, 8, Ea Sing 1 và Quảng Cư 2 phải sử dụng điện giá cao hơn quy định của ngành điện lực. Nguyên nhân là các hộ vẫn đang sử dụng đường điện tạm có phụ tải lớn. Để khắc phục tình trạng này thì địa phương phải được bố trí vốn từ ngân sách.
"Về 4 cụm dân cư phải sử dụng điện giá cao kéo từ cụm tổng về thì chúng tôi không có nguồn để đầu tư vì vốn lớn và ngân sách địa phương không đủ. Trước mắt, chúng tôi tuyên truyền bà con sử dụng điện tiết kiệm, an toàn, dần thay thể trụ gỗ sang trụ bê tông. Về lâu dài, chúng tôi đã kiến nghị cấp trên và đang chờ đầu tư từ ngành điện thì mới có thể giải quyết kéo đường điện kiên cố đáp ứng nhu cầu sử dụng điện tháo gỡ khó khăn cho bà con"./.