“Đây là Đài Phát thanh Truyền hình thành phố Lào Cai…”
Lời xướng trên nền nhạc nhẹ nhàng, sâu lắng ấy đều đặn vang lên mỗi sớm chiều khắp dọc dài đô thị sầm uất ven sông Hồng cho đến các thôn, bản vùng cao của thành phố biên giới mang tên Lào Cai.
Ông Phạm Đình Thông, người có 40 năm gắn bó với nghề, sau nghỉ hưu ở vị trí Giám đốc Đài Phát thanh Truyền hình thành phố Lào Cai (trước khi sáp nhập để thành lập Trung tâm Văn hóa, Thể thao – Truyền thông) bồi hồi nhớ lại những ngày tháng đầu tiên giai đoạn 1992 - 1994, khi đó Lào Cai còn là một thị xã vừa mới tái lập sau chiến tranh, cơ sở hạ tầng bị tàn phá nặng nề.
Mô hình Đài lúc này chỉ ngang một trạm truyền thanh hữu tuyến, vận hành nhờ một chiếc máy phát thanh cũ cùng tuyến đường dây vẻn vẹn 3 - 4 cây số chạy dọc trục đường chính là Hoàng Liên.
“Đầu năm 1994 tôi về được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Đài, trong khi Giám đốc là một Phó Chủ tịch thị xã. Đài lúc đó chỉ có 4 người, phần lớn tiếp âm sóng Đài tỉnh; còn lại một bộ phận làm bản tin để phát mỗi tuần 1 – 2 buổi. Có hôm còn phải mời cả Chánh Văn phòng Ủy ban sang đọc bản tin vì có người đâu”, ông Thông chia sẻ.
Giữa bộn bề khó khăn, cùng trong năm 1994, sau kiện toàn nhân sự, một cuộc Hội thảo mang tính quyết định được thị xã tổ chức để bàn về vấn đề có nên đầu tư cho hệ thống truyền thanh cơ sở nữa hay không?
“Trong Hội thảo ấy cũng có ý kiến cho rằng bỏ đi không cần thiết; có ý kiến cho rằng nếu để sẽ gây ồn ào. Nhưng cuối cùng đi đến thống nhất rằng, trong một thị xã mới bắt đầu tái thiết như thế này thì cần phải có một hệ thống thông tin đại chúng chứ không thể nói là bỏ được. Rốt cuộc truyền thanh lại là một trong những công cụ tốt nhất cho công tác tuyên truyền”, ông Thông kể.
Từ bước ngoặt ấy, hệ thống truyền thanh của Đài nhanh chóng được đầu tư, trước mắt là mạng lưới loa hữu tuyến tại các phường ở bờ phải, rồi bờ trái sông Hồng sau khi cầu Cốc Lếu được xây dựng; tiếp đến vươn ra các vùng phụ cận, rồi tỏa về phía nam khi thị xã mở rộng, nâng cấp lên thành phố. Sau này phát triển truyền thanh vô tuyến, phát sóng FM riêng qua tần số 105 MHz. Ngoài ra, Đài còn xây dựng thêm trang tin truyền hình phát trên chương trình của tỉnh.
Hiện, toàn thành phố Lào Cai có gần 500 cụm truyền thanh không dây với tổng cộng hơn 1.000 loa đặt ở đều khắp 17 xã, phường; trong đó đang thí điểm 15 cụm thu phát thông minh sử dụng sim 4G. Hai bản tin địa phương 30 phút phát lúc 5h và 17h30 mỗi ngày đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của nhiều người dân thành phố Lào Cai.
“Đúng như bữa cơm hàng ngày, nếu không có thì cứ cảm thấy thiếu một cái gì đó. Như thời sự trong nước, thế giới thì vẫn cập nhật hàng ngày; nhưng những vấn đề của phường, của thành phố, rồi của tỉnh thực chất là những cái người dân quan tâm nhất vì thông tin về sự phát triển, sự thay đổi của cuộc sống xung quanh thường bổ ích, gần gũi, dễ nghe, dễ hiểu hơn”, ông Trịnh Xuân Lâm, Tổ trưởng tổ 30, phường Cốc Lếu chia sẻ.
Theo Nhà báo Minh Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao - Truyền thông thành phố Lào Cai, vừa qua tỉnh Lào Cai mở cuộc điều tra, thăm dò ý kiến, có tới trên 90% người dân thành phố ủng hộ tiếp tục duy trì, mở rộng hệ thống loa truyền thanh cơ sở. Trên thực tế, mỗi khi chỉ cần một cụm loa nào bị mất điện hay xảy ra trục trặc kĩ thuật là lập tức có thính giả gọi điện về phản ánh. Qua đó càng tiếp thêm động lực để anh chị em kĩ thuật viên, phóng viên, biên tập viên của Trung tâm nỗ lực hơn nữa, tiếp tục khẳng định vai trò của những người làm phát thanh “hiểu thành phố nhất”.
“Chúng tôi đều đau đáu, trăn trở với nghề và cũng mong sao các tác phẩm đến công chúng được gần gũi, thân thiện nhất, làm sao tiếng nói của Đảng, của Nhà nước đến được với người dân nhanh nhất và mình cũng mang tiếng nói của nhân dân để chuyển tải đến cấp ủy, chính quyền, từ đó tháo gỡ khó khăn và giải quyết kịp thời các sự việc”, nhà báo Minh Ngọc cho hay.
Trên chặng đường 30 năm kể từ khi tái lập tỉnh lỵ, những câu chuyện như cử cán bộ về tận Đài Tiếng nói Việt Nam để xin băng gốc nhạc thể dục phát phục vụ nhân dân; hai lần đón nhạc sĩ chuyên nghiệp về sáng tác nhạc hiệu riêng; những khoảng thời gian vật lộn để ra chương trình mới; hay những chuyến tác nghiệp hiện trường, làm phản ánh trực tiếp trước các sự kiện như thiên tai, cháy rừng, bầu cử, dịch Covid-19… luôn là những kỷ niệm khó quên với anh chị em làm phát thanh ở thành phố Lào Cai. Họ vẫn ngày đêm nhiệt huyết, góp sức cho đô thị trẻ đang thay da đổi thịt, để tiếng nói thân thuộc mỗi ngày vang vọng trên thành phố biên cương./.