Tiến sĩ Phạm Trần Hải, Phó Trưởng phòng Nghiên cứu quản lý đô thị, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho biết, hiện diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn thành phố chủ yếu ở 5 huyện ngoại thành gồm Bình Chánh, Nhà Bè, Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ. Tổng diện tích đất nông nghiệp tại 5 huyện này chiếm 93,49% toàn TP. Số còn lại rải rác ở các quận nội thành khác như Bình Thạnh, Quận 12, quận Bình Tân và TP. Thủ Đức. Trong đó, có nơi thực chất không còn sản xuất nông nghiệp nữa mà chỉ là đất nông nghiệp trên giấy, chẳng hạn như khu Thanh Đa (quận Bình Thạnh).

Theo ông Hải, giai đoạn 2016-2020, TP.HCM đặt mục tiêu chuyển 26.000 ha đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp nhưng thực tế chỉ làm được 13%-14%. Hiện trên địa bàn thành phố có nhiều quy hoạch "treo", dự án "treo". Trong đó, nhiều khu đất nông nghiệp tồn tại ở dạng "da beo" với quy mô nhỏ và rải rác như tại các huyện Bình Chánh, Hóc Môn. Ông Hải nhận định những khu vực “da beo” như vậy khó có khả năng khai thác hiệu quả cho mục đích nông nghiệp, hiện nay hầu hết chỉ để trống hoặc sử dụng với mục đích phi nông nghiệp.
Đánh giá về tiến độ chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp thành đất phi nông nghiệp, ông Hải chỉ ra so với dự báo của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt thì tiến độ diễn ra quá chậm, chỉ đạt 11,2% tiến độ kế hoạch trong giai đoạn 2011-2015 và đạt 13,18% tiến độ kế hoạch trong giai đoạn 2016-2020. Tiến độ chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp thành đất phi nông nghiệp không đều, thường tập trung vào giai đoạn cuối kỳ. Về số lượng dự án sử dụng đất nông nghiệp thực hiện hoàn thành cũng chỉ đạt từ 5%-10% so với kế hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2016-2020.
Do vậy, ông Hải đề xuất cần có thống kê quỹ đất nông nghiệp để có giải pháp, định hướng chuyển đổi mục đích sử dụng phù hợp: "Thực trạng là đất có một quỹ như thế, nhưng nằm rải rác hay có đủ độ tích tụ lại để thực hiện những dự án lớn hay không? Một khi đã xé lẻ như thế thì việc sử dụng không đúng mục đích hay chuyển đổi sai quy định cũng dễ dàng xảy ra"./.