Như việc Sở Y tế TP. HCM tìm danh tính các nhân viên y tế không cho con tiêm vaccine, hay việc có trường học ở Hà Nội thông báo mời phụ huynh chưa cho con tiêm đến trường họp với Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 của địa phương.
Một số ý kiến cho rằng, những cách làm này đang tạo ra cảm giác bị ép buộc, không phù hợp với chủ trương vận động, khuyến khích được đưa ra trước đó.
Đầu giờ sáng, chị Bùi Thị Hồng Thương, nhân viên một đơn vị y tế trên địa bàn Hà Nội rất bất ngờ khi biết thông tin, Sở Y tế TP. HCM đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo cung cấp danh sách trẻ có phụ huynh là nhân viên y tế không đồng thuận tiêm vaccine COVID-19.
Chị Thương rất băn khoăn, bởi bản thân con chị cũng chưa tiêm vaccine, nếu cũng bị truy tìm kiểu đó cũng sẽ rất áp lực: "Nếu như chỉ tuyên truyền thôi thì không vấn đề gì, còn nếu dùng một phương pháp, biện pháp hành chính nào đó đối với họ thì không đúng luật. Bởi vì họ có quyền từ chối mà, khi mình đi tiêm bao giờ cũng có đồng ý và không đồng ý. Vaccine có hiệu quả rất ngắn, bây giờ cứ tiêm liên tục, tiêm liên tục thì không biết tiêm đến bao giờ".
Không chỉ có biện pháp tìm nhân viên ngành y để tạo sức ép, mà tại Hà Nội cũng có trường tiểu học yêu cầu các phụ huynh không đồng ý tiêm cho con phải tham gia cuộc họp với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của UBND phường.
Chị Bùi Thị Liên, một phụ huynh có con đang theo học tại một trường tiểu học trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cho biết, chị nhiều lần bị giáo viên chủ nhiệm lớp của con vận động, khiến nhiều lần chị buộc phải báo con bị ốm. Việc phải họp với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch của UBND phường chỉ vì không đồng ý tiêm cho con khiến chị rất bất bình.
"Em cũng làm đơn không tiêm rồi nhưng em không hiểu tại sao mà… mời luôn, các lớp họp cùng luôn. Em thấy đây là ép mà. Cứ khi nào có giấy gửi về nhà là em cho con nghỉ ốm", chị Liên nói.
Tương tự, chị Lê Thị Hiền, một phụ huynh học sinh cũng phải cho con nghỉ ốm mỗi lần nhà trường thông báo ngày tiêm vaccine cho trẻ. Chị Lê Thị Hiền cho rằng, hiện nay có nhiều virus mới, cùng với bệnh chuyển mùa còn đáng lo hơn.
"Cũng có biến chủng mới của Covid rồi thì vaccine đấy có nghiên cứu nào chỉ ra là vaccine có tác dụng với biến chủng sau này không?", chị Hiền nói.
BS Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng I, TP. HCM cũng rất bất bình với các hình thức ép trẻ tiêm vaccine, bởi việc tiêm hay không tiêm vaccine là quyền riêng tư của cha mẹ học sinh. Nhân viên y tế cũng là phụ huynh, không nên có sự phân biệt với các ngành nghề khác để tạo sức ép. Điều này cũng ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý nhân viên y tế, càng khiến việc chảy máu chất xám ngành y diễn ra thêm nghiêm trọng
"Điều này cho thấy là gì, ép người ta, ép giáo dục và ép y tế chứ không phải là tình nguyện, ép một cách khéo léo. Theo tôi, COVID-19 bây giờ không còn quá nguy hiểm nữa, vấn đề chính là sốt xuất huyết, nó đe dọa, tỷ lệ tử vong khá cao", Bác sĩ Khanh cho biết.
BS Nguyễn Trọng An, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển Môi trường Sức khỏe cho rằng, việc Sở Y tế TP. HCM và một số trường tiểu học tìm cách “ép” trẻ tiêm vaccine đã vi phạm công ước quyền con người, Công ước quốc tế quyền trẻ em và các quyền khác.
Hơn nữa, đến thời điểm này đã xuất hiện nhiều biến chủng mới, nhiều loại virus mới, do vậy, không nên ép buộc phụ huynh tiêm vaccine cho con. Điều này càng khó chấp nhận với lãnh đạo ngành y khi gây sức ép với nhân viên y tế.
Cũng theo bác sĩ An: "Nó không thuộc các loại vaccine nằm trong danh mục tiêm chủng mở rộng, phải theo luật. Cho nên không được phép bắt buộc, mà phải có ý kiến đồng thuận của các bậc cha mẹ".
Trước băn khoăn của dư luận, sáng 5/10, đại diện lãnh đạo Sở Y tế TP. HCM đã phân trần, việc tìm danh tính các nhân viên chưa cho con tiêm vaccine COVID-19 là để kiểm tra và tuyên truyền trúng đích, chứ không áp đặt.
Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng, dù biện minh cách gì, việc làm này của ngành y tế TP. HCM không những tạo tâm lý lo lắng, bất bình cho đội ngũ y, bác sĩ, mà còn vi phạm quyền con người./.