Mưa lớn kéo dài, dải đất ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế liên tục sạt lở theo từng đợt sóng mạnh. Ông Lê Thanh Truyền, ở thôn An Dương, xã Phú Thuận, huyện Phú Vang lo lắng, tình trạng sạt lở bờ biển ở địa phương diễn ra hơn chục năm nay. Mỗi năm, biển xâm thực sâu vào bờ từ 5-7m. Người dân luôn sống trong bất an mỗi khi mùa mưa đến. Đến nay, hơn 100 ngôi nhà xây kiên cố của người dân xã Phú Thuận bị sạt lở một phần hoặc bị sóng dữ cuốn trôi, bà con phải dời đến nơi ở mới. Ông Lê Thanh Truyền cho biết thêm, những rặng phi lao người dân trồng chắn cát cũng bị xóa dần theo từng đợt sóng biển. 

“Bờ biển này hồi xưa rất xa, đi ra khoảng tầm 600-700m nhưng giờ đến khoảng chục năm nay, xâm thực rất nghiêm trọng. Mùa mưa bão đến, ban đêm, nhiều lúc ngủ không được, khi mà nghe sóng lớn vỗ bà con lại lo lắng rất là nhiều”- ông Lê Thanh Truyền cho biết. 

Nhiều năm nay, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai xây dựng một số đoạn kè cứng ở những vị trí sạt lở nghiêm trọng tại xã Phú Thuận. Đến nay, khu vực bờ biển này bước đầu ổn định. Năm 2021, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đầu tư xây dựng mới, gia cố đoạn kè cứng với chiều dài hơn 920m ở thôn An Dương 3, xã Phú Thuận, độ cao từ chân kè lên tới mặt đường khoảng 35m. Hiện nhà thầu đang huy động tối đa nhân lực và máy móc làm việc tại công trường để sớm hoàn thành đoạn kè vào cuối tháng 12 này. Ông Dương Tuấn Dũng, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy lợi Thừa Thiên Huế cho biết, tiến độ thi công tại đoạn kè này đạt hơn 80% khối lượng công việc. 

“Thi công kè biển này phụ thuộc vào thời tiết rất nhiều. Thứ nhất, là triều cường. Thứ hai, là các đợt ảnh hưởng của không khí lạnh cũng như áp thấp… đơn vị thi công chủ yếu tập trung máy móc nhân lực trong thời gian nắng, thời gian biển sóng yên sẽ tranh thủ làm những phần âm trước. Về mùa mưa bão, thời tiết sóng lớn, đơn vị thi công chỉ có thi công những hạng mục phía trên”- ông Dương Tuấn Dũng cho biết.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế, sau mưa lũ, hơn 12km bờ biển sạt lở nghiêm trọng hơn, tập trung ở các xã ven biển thuộc những huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc. Tốc độ xói lở trung bình từ 3-5m, có vùng từ 5-7m. Trong đó, đoạn bờ biển qua xã Giang Hải, huyện Phú Lộc đã bị xói sâu vào đất liền, đe dọa tính mạng và tài sản của hơn 1.500 hộ dân sống gần bờ biển, nhiều đoạn có nguy cơ mở cửa biển mới. Thời gian qua, bằng nguồn vốn của Trung ương, địa phương, tỉnh Thừa Thiên Huế đã đầu tư kè chống xói lở bờ biển với chiều dài 6,2 km. Ngoài ra, tỉnh cũng đã di dời, sắp xếp bố trí tái định cư đến nơi an toàn, ổn định cuộc sống cho hơn 1.000 hộ dân ở vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp của tình trạng xâm thực bờ biển.

Ông Nguyễn Đình Đức, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, tỉnh Thừa Thiên Huế đang lập các dự án khẩn cấp với hơn 1.300 tỷ đồng để tiếp tục xử lý các điểm sạt lở nặng, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống. 

“Tỉnh cũng có những giải pháp nhất định, trước mắt hỗ trợ kinh phí để mà gia cố các vị trí xung yếu, hỗ trợ di dời một số hộ dân ra khỏi vùng sạt lở ổn định đời sống cho bà con. Về lâu dài, tỉnh tiếp tục lập các dự án các vị trí xung yếu để đầu tư và đề xuất với trung ương hỗ trợ từ những nguồn biến đối khí hậu bao lụt để giúp cho Thừa Thiên - Huế khắc phục những vị trí này trong thời gian tới”- ông Nguyễn Đình Đức cho biết./.