Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, tình hình giá nguyên, nhiên vật liệu tăng cao trong năm 2021, 2022... nhưng dưới sự chỉ đạo sát sao và kịp thời của Lãnh đạo Thành ủy, UBND TP. Hà Nội, cùng các sở ngành và các đơn vị thi công công trình, sau 2 năm triển khai thi công đã hoàn thành đúng vào dịp chào mừng kỷ niệm 68 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2022), công trình thi công đảm bảo tiến độ, an toàn, chất lượng và mỹ quan đô thị.
Tại buổi lễ, ông Dương Đức Tuấn – Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, sau khi hoàn thành, dự án sẽ hình thành nút giao có 3 tầng xe chạy với kỳ vọng giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông cho khu vực phía Tây Nam Hà Nội:
“Đây là dự án nhằm giải quyết xung đột giao thông tại nút Lê Văn Lương – Vành đai 3 theo hướng Lê Văn Lương – Tố Hữu, giảm thiểu ùn tắc giao thông tại nút giao, giảm chi phí và thời gian chờ đợi do ùn tắc giao thông, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong đô thị. Đồng thời, từng bước hoàn chỉnh giao thông theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, góp phần đảm bảo, an ninh, trật tự ATGT và phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô”.
Dự án xây dựng hầm chui Lê Văn Lương – Vành đai 3 là công trình hầm đường bộ, cấp II, tải trọng thiết kể HL93, tĩnh không thông xe dưới hầm 4,75m. Công trình được thiết kế theo hướng Lê Văn Lương - Tố Hữu và ngược lại.
Tổng chiều dài hầm 475m, trong đó, hầm kín dài 95m; hầm hở, tường chắn và gỡ chắn bánh bố trí ở 2 đầu với tổng chiều dài 380m (mỗi phía 190m). Mặt cắt ngang thiết kế hàm lưu thông 2 chiều, mỗi chiều có bề rộng 7,75m bao gồm 2 làn xe cơ giới rộng 3,5m mỗi làn.
Ngoài ra, công trình còn xén hè mở rộng làn đường trên đường Tố Hữu, Lê Văn Lương, xén các điểm quay đầu tiên đường Khuất Duy Tiến và phạm vi nút giao, xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cây xanh, đèn tín hiệu, sơn kẻ, tổ chức giao thông đồng bộ tại nút giao.
Dự án được khởi công từ ngày 2/10/2020 và hoàn thành vào ngày 5/10/2022, với tổng mức đầu tư gần 700 tỷ đồng; trong đó, chi phí xây dựng là 533 tỷ đồng, chi phí thiết bị là 13 tỷ đồng, chi phí QLDA, tư vấn và chi phí khác là 75 tỷ đồng, phí dự phòng là 77 tỷ đồng.
Hướng xe đi qua hầm chui Tố Hữu – Lê Văn Lương được bố trí như sau:
Phương tiện đi theo hướng Tố Hữu – Lê Văn Lương có thể đi thẳng ở dưới hầm và trên mặt đường. Nút giao bố trí đèn giao thông để điều tiết phương tiện đi thẳng trên mặt đường theo hướng này.
Các phương tiện từ Tố Hữu – Khuất Duy Tiến – nút giao Đại lộ Thăng Long sẽ rẽ trái tại 2 làn xe trên nóc hầm theo sự điều tiết của đèn giao thông.
Nút giao bố trí 2 làn quay đầu cho các phương tiện.
Phương tiện đi từ Tố Hữu - Khuất Duy Tiến - nút giao Nguyễn Trãi sẽ được rẽ phải trên mặt đường.
Hướng ngược lại, các xe đi qua hầm chui Lê Văn Lương – Tố Hữu được phân luồng tương tự:
Phương tiện đi theo hướng Lê Văn Lương – Tố Hữu có thể đi thẳng ở dưới hầm và trên mặt đường.
Các phương tiện từ Lê Văn Lương - Khuất Duy Tiến – nút giao Đại lộ Thăng Long được rẽ phải trên đường.
Các phương tiện từ Lê Văn Lương - Khuất Duy Tiến - nút giao Nguyễn Trãi sẽ rẽ trái tại 2 làn xe trên nóc hầm theo sự điều tiết của đèn giao thông./.