Nếu như trước đây, khám chữa bệnh bằng BHYT để lại nhiều nỗi ám ảnh đối với người bệnh từ chất lượng khám chữa bệnh tới thái độ phục vụ của đội ngũ nhân viên y tế và các thủ tục hành chính thì thời gian gần đây, nhiều cải cách, đổi mới nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bằng BHYT đã được thực hiện, mang lại sự tin tưởng nhiều hơn cho người dân đối với chính sách này.
Một trong những cải cách quan trọng phải kể đến, đó là việc triển khai thực hiện lộ trình thông tuyến trong khám bệnh, chữa bệnh BHYT.
Thông tuyến bảo hiểm y tế vẫn còn nhiều bất cập (ảnh Báo Bình Dương) |
Việc thông tuyến khám chữa bệnh BHYT giữa tuyến xã và tuyến huyện trên cùng địa bàn tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu. Tuy nhiên khi triển khai thực hiện đã để lại nhiều bất cập, đặc biệt trong số đó là tình hình trục lợi và có tới 45 tỉnh, thành phố bội chi quỹ BHYT lên tới hàng tỷ đồng. Thời gian tới sẽ là lộ trình cho việc thông tuyến BHYT cấp tỉnh, điều đó đặt ra những thách thức trong công tác quản lý nhằm hạn chế những bất cập trước đây và đem lại những hiệu quả thiết thực cho người dân.
Hơn một năm qua, 11 nghìn cơ sở y tế tuyến huyện, xã đã được thông tuyến, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc khám chữa bệnh. Sau khi thông tuyến, số lượt khám chữa bệnh tại trạm y tế xã giảm nhiều. Năm 2015 có 32,7 triệu lượt khám chữa bệnh tại trạm y tế xã nhưng năm 2016 chỉ có khoảng 30,5 triệu lượt. Cả nước có 38 tỉnh giảm từ 10% đến 30% số lượt khám chữa bệnh tại trạm y tế xã. Điều này làm gia tăng chi phí khám chữa bệnh do tăng số lượt khám chữa bệnh ở tuyến trên nhưng chi phí tại tuyến xã không giảm. Do được thông tuyến nên nhiều người dân có tâm lý lựa chọn khám chữa bệnh ở tuyến trên nhiều hơn.
Trong tình trạng không có bệnh nhân đến khám, Bác sỹ Nguyễn Văn Mầu, Trạm trưởng Trạm y tế xã Xuân Giao, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai cho rằng đây là một thiệt thòi với người làm chuyên môn: “Hàng ngày, chúng tôi phải tiếp xúc với nhiều bệnh nhân thì sẽ học hỏi được nhiều điều. Nhưng bây giờ lượng bệnh nhân ít đi, mà bệnh nhân cũng đơn giản vì vậy cũng làm hạn chế về việc cập nhật về chuyên môn”.
Trong khi đó, do bệnh nhân bỏ qua các bệnh viện huyện, trung tâm y tế, ở tuyến cao hơn thì các y, bác sĩ lại làm không hết việc. Bác sỹ Hà Duy Bình, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai cho biết: “Có thể nói, hiện nay mỗi người làm việc bằng hai, bằng ba. Không chỉ là áp lực công việc mà còn liên quan đến vấn đề thanh quyết toán cũng như về các chi phí khác như điện nước, xử lý chất thải”.
Lộ trình đến năm 2021, sẽ triển khai thông tuyến tỉnh tại 572 cơ sở y tế trong cả nước. Tuy vậy, Bảo hiểm xã hội Việt Nam dự báo sẽ xảy ra nguy cơ tăng số lượt điều trị nội trú gây tình trạng quá tải và gia tăng chi phí y tế.
Theo ông Phạm Lương Sơn - Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, nếu thực hiện thông tuyến tỉnh, khó tránh tình trạng một bộ phận bác sĩ có chuyên môn tốt tại tuyến huyện dịch chuyển lên làm việc tại tuyến tỉnh, càng làm thiếu hụt nhân lực y tế tuyến cơ sở. Đặc biệt, khó kiểm soát cơ sở khám chữa bệnh tăng chỉ định số lượng xét nghiệm cận lâm sàng, chụp X quang, phát thuốc..., người bệnh đi khám chữa bệnh nhiều lần trong ngày, tuần, tháng để “lấy” thuốc. Từ tháng 7/2016 đến tháng 2/2017, có hơn 1,2 triệu người tham gia BHYT đi khám, chữa bệnh từ hai lần trở lên mỗi tháng; 3 triệu lượt khám nhiều lần.
Ông Phạm Lương Sơn- Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết: “Vừa rồi thông qua các hệ thống thông tin giám định thì phát hiện ra những trường hợp đi khám quá nhiều lần trong ngày, trong tháng, trong năm tại rất nhiều cơ sở KCB, Chúng tôi cũng đã yêu cầu Bảo hiểm xã hội các địa phương đó gặp gỡ, trao đổi với các cá nhân đó. Và kết quả là họ đã thừa nhận có trục lợi trong chuyện khám chữa bệnh. Tuy nhiên, để khắc phục lâu dài và căn cơ thì có lẽ cần phải có những giải pháp tổng thể”.
Thông tuyến khám chữa bệnh là một chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, việc thực hiện thông tuyến cũng bộc lộ những tồn tại, hạn chế. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến chính sách của nhà nước là hướng về y tế cơ sở, mà còn làm gia tăng chi phí khám chữa bệnh, làm lãng phí về nguồn lực của xã hội.
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: “Trong quá trình thông tuyến, vẫn còn nhiều bất cập, các hệ thống văn bản chuẩn bị chưa tốt, hướng dẫn thiếu đầy đủ, chồng chéo. Cơ sở vật chất kỹ thuật, điều kiện các bệnh viện, chúng ta chuẩn bị chưa được đầy đủ theo đúng tinh thần của thông tuyến. Đau đầu sổ mũi người ta có thể khám ngay ở bệnh viện xã hoặc là bệnh đó trong kỹ thuật là huyện làm tốt không cần phải lên tuyến tỉnh và tuyến trung ương, đây là một vấn đề”
Theo ông Thân Đức Lại- Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Bắc Giang, để khắc phục những hạn chế, đồng thời tránh tình trạng quá tải tuyến trên, cơ sở y tế các địa phương cần có giải pháp thu hút người bệnh ở tuyến huyện, xã một cách thực chất, hiệu quả. Các bệnh viện tuyến tỉnh cần tập trung phát triển kỹ thuật chuyên khoa sâu, mũi nhọn để đáp ứng kịp thời nhu cầu người bệnh khi chính sách thay đổi. Bên cạnh việc nâng cấp trình độ quản lý, cần có sự kết nối thông tin về danh mục kỹ thuật của các cơ sở khám chữa bệnh. Song song với đó, cơ quan Bảo hiểm xã hội và sở y tế các tỉnh nên có bước quản lý tốt trước khi có sự thay đổi chính sách để không phải khắc phục sự cố sau khi chính sách đi vào cuộc sống.
Ông Thân Đức Lại cho rằng: “Tăng cường nguồn nhân lực theo dõi, phát hiện những biểu hiện có dấu hiệu của hành vi trục lợi, tăng cường hoạt động giám định. Đã tổ chức thẩm định lại đối với các cơ sở y tế cố tình trạng gia tăng quỹ khám chữa bệnh BHYT để kịp thời chấn chỉnh và thu hồi vào quỹ BHYT những khoản chi không đúng quy định của BHYT”
Thông tuyến khám chữa bệnh BHYT tuy còn nhiều bất cập, nhưng đây là chủ trương đúng đắn vì quyền lợi của người dân. Do vậy, Chính phủ quyết tâm thông tuyến tỉnh trước thời hạn 2021 như đã đề ra trong Luật BHYT 2014./.
Nhiều người bệnh nặng xin về nhà chờ chết vì không có BHYT