Chia sẻ tại Tọa đàm “Giảm thiểu nguy cơ lọt lưới an sinh” do Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức hôm nay (23/4), ông Đỗ Ngọc Thọ, Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH, BHXH Việt Nam cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến lao động khu vực phi chính thức chưa mặn mà tham gia BHXH tự nguyện.

Trong đó nguyên nhân đầu tiên là thu nhập của nhóm lao động này bấp bênh, không ổn định. Người dân ít tìm hiểu về chính sách BHXH tự nguyện mà thường chú trọng quan tâm những nhu cầu trước mắt, mưu sinh hàng ngày.

Ngoài ra, nhiều người vẫn có tâm lý “trẻ cậy cha, già cậy con”, chưa hình thành được văn hóa tự đảm bảo an sinh xã hội thông qua đóng góp, tích lũy khi trẻ để thụ hưởng lương hưu, bảo hiểm khi về già.

Cũng theo ông Đỗ Ngọc Thọ, mức hỗ trợ tiền đóng của nhà nước hiện nay chưa tạo được cú hích để thúc đẩy người dân tham gia BHXH tự nguyện, điều kiện về thời gian đóng để hưởng lương hưu còn dài làm giảm tính hấp dẫn của BHXH tự nguyện. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều người nản lòng khi tham gia BHXH tự nguyện.

Bên cạnh đó, trên các trang mạng xã hội hiện nay cũng lan truyền thông ít những thông tin sai lệch về chính sách, chế độ BHXH ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý, động lực tham gia BHXH tự nguyện của một bộ phận người dân.

PGS.TS Bùi Thị An, Nguyên đại biểu Quốc hội, Ủy viên, Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội khóa XIII (Nhiệm kỳ 2011 – 2016), cũng cho rằng cần xem thiết kế chính sách bảo hiểm xã hội hấp dẫn hơn. Đặc biệt, cần truyền thông thay đổi tâm lý của người dân khi tham gia bảo hiểm xã hội trong việc đóng - hưởng.

Chính sách nào cũng cần đáp ứng tính khả thi. Với nhóm chưa tham gia có thu nhập bấp bênh thì mối quan tâm thường là vấn đề trước mắt, như "lấy gì chi tiêu cho hôm nay", đầu tư cho con cái trước…,  không phải là câu chuyện của 20 năm sau được hưởng gì. Ngoài việc thiết kế mức đóng hưởng phù hợp, cần có chính sách về mức thu nhập tối thiểu, tạo việc làm bền vững, để đảm bảo đời sống, khi đó sẽ thu hút được nhiều người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Còn theo GS.TS Giang Thanh Long, Giảng viên cao cấp, Khoa Kinh tế học, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, chế độ này rất tốt đối với những người lao động trong độ tuổi sinh sản, song không nên quy định “cứng” mức hưởng vì có thể dẫn đến nguy cơ có thể phải sửa đổi, điều chỉnh luật.

Qua khảo sát với lao động khu vực phi chính thức cho thấy, ngoài chế độ lâu dài là hưu trí, tử tuất thì người lao động rất mong muốn được hưởng các chế độ sát sườn như bệnh nghề nghiệp, ốm đau, thai sản. Do đó, về lâu dài, với nhóm lao động phi chính thức vẫn phải nghiên cứu và ban hành các chế độ BHXH ngắn hạn như ốm m đau, thai sản, tai nạn lao động và bệnh nghề để làm tăng tính hấp dẫn của chính sách và đảm bảo công bằng trong việc đóng góp và hưởng thụ các quyền lợi BHXH.