Tại địa bàn quận Hoàng Mai (Hà Nội) từ nhiều năm nay các trường tiểu học luôn trong tình trạng quá tải, phải học luân phiên. Tình trạng quá tải càng thể hiện rõ hơn khi đầu năm học 2022-2023, hàng trăm phụ huynh có con ở độ tuổi mầm non đã phải tham gia bốc thăm để giành suất học cho con tại trường công. Nhiều gia đình bốc được lá phiếu “rất tiếc bé chưa trúng tuyển vào trường” đành ngậm ngùi về tìm cho con một trường mầm non ngoài công lập, chấp nhận mức học phí cao hơn nhiều so với trường công. Tuy nhiên hệ thống các trường tư thục hiện nay cũng đã quá tải, bởi vậy, việc tìm trường tư cũng không dễ dàng, không ít gia đình buộc phải cho con ở nhà thêm 1 năm, đợi đến khi 4 tuổi sẽ lại đăng ký đi học lần nữa, hoặc gửi về quê nhờ ông bà trông giúp...
Theo UBND quận Hoàng Mai, chỉ tính riêng tại phường Hoàng Liệt đã có 85 tòa chung cư và 5 tòa đang xây dựng. Tính toàn quận hiện có 227 tòa chung cư cao tầng và 202 nhà chung cư cũ. Trong khi đó, toàn quận mới chỉ có 89 trường học, trong đó có 59 trường công lập, 30 trường ngoài công lập đáp ứng nhu cầu học tập của 98.000 học sinh. Nếu chiếu theo quy định chuẩn về sĩ số học sinh/lớp học của Bộ GD-ĐT, thì quận Hoàng Mai vẫn thiếu khoảng 36 trường học.
Ông Trần Quý Thái, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai cho biết, UBND quận đang tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường lớp, tài chính đầu tư, cơ sở vật chất, đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường học. Dự kiến phường Hoàng Liệt sẽ xây dựng 2 trường tại các ô đất có diện tích 7.400 m2 và 1.934m2 cho năm học 2023-2024 để tăng số trường mầm non đáp ứng nhu cầu của trẻ. Bên cạnh đó, quận Hoàng Mai cũng khuyến khích huy động và tạo điều kiện hỗ trợ các tổ chức cá nhân tham gia phát triển giáo dục đào tạo, khuyến khích phát triển cơ sở giáo dục dân lập, tư thục.
Nói về vấn đề thiếu trường lớp tại các đô thị lớn nói chung và quận Hoàng Mai nói riêng, GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, quy hoạch đô thị luôn có những chuẩn mực riêng, nếu tuân thủ đúng các chuẩn mực này chắc chắn sẽ không xảy ra tình trạng phụ huynh phải bốc thăm để giành suất học cho con như đã diễn ra tại quận Hoàng Mai thời gian qua.
“Hiện nay nhiều nơi vẫn cho điều chỉnh lung tung hết chỗ này đến chỗ khác. Nếu thực hiện theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật chắc chắn sẽ không xảy ra tình trạng bất cập như trên, nếu vẫn tiếp diễn tình trạng quy hoạch sai, các chủ đầu tư hưởng lợi khi có thể xây dựng nhiều nhà chung cư để bán, nhưng người dân lại phải chịu hậu quả. Quy hoạch có kỹ thuật kỹ lưỡng, vấn đề là Hà Nội có dám làm mạnh tay để xử lý những sai phạm hay không. Đơn cử như chuyện quy hoạch tại Tố Hữu – Lê Văn Lương sai phạm đã được Bộ Xây dựng chỉ rõ, nhưng Hà Nội vẫn nhiều lần đi “cãi” hộ chủ đầu tư. Khi còn tình trạng các chủ đầu tư, lãnh đạo chính quyền đứng về một phía thì vẫn còn tình trạng này tiếp diễn”, GS.TSKH Đặng Hùng Võ thẳng thắn chỉ rõ.
Còn theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, yêu cầu có đầy đủ, hợp lý hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội như trạm y tế, trường học, chợ… là một trong những tiêu chí quan trọng để phê duyệt quy hoạch.
Tại quận Hoàng Mai, việc thiếu trường lớp không phải do thiếu quỹ đất mà xuất phát từ việc xây dựng không đảm bảo đồng bộ, chỉ chú trọng đến các công trình tạo ra lợi nhuận như nhà chung cư, dịch vụ thương mại. Các công trình hạ tầng xã hội như trường học, nhà trẻ thì ít được đôn đốc hoặc có thúc đẩy doanh nghiệp xây dựng thì các đơn vị cũng không mấy “mặn mà”. Do đó nhiều khu vực đất dành cho quy hoạch xây dựng trường học vẫn chậm hoặc không được giải phóng mặt bằng, không được kiểm soát chặt chẽ.
Bên cạnh đó, kiến trúc sư này cũng cho rằng, trong khi thiếu cả hệ thống trường công lập lẫn tư thục, thì các địa phương lại chưa chú trọng đến các chính sách ưu tiên để huy động các doanh nghiệp vào cùng xây dựng.
Theo quan điểm của TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, việc tổ chức quy hoạch không đúng là trách nghiệm của cơ quan chức năng, để giải quyết vấn đề này, cần tăng cường quản lý, có chính sách ưu đãi, huy động nguồn lực xã hội trong đầu tư, xây dựng trường hoc. Đặc biệt, trong quy hoạch không chỉ giám sát vấn đề đầu tư xây dựng các đô thị mà cần có điều kiện đồng bộ để khi đưa các khu đô thị, nhà chung cư đưa vào sử dụng, người dân đến ở thì đã phải có đủ hạ tầng kỹ thuật./.