Cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam vừa phát hiện vụ phá rừng phòng hộ quy mô lớn vừa xảy ra tại khu vực rừng phòng hộ Sông Kôn, giáp ranh 2 xã Jơ Ngây và Tà Lu, huyện Đông Giang. Hàng chục cây gỗ lớn bị đốn hạ không thương tiếc. Hiện trường còn lại là những gốc cây cổ thụ đường kính hơn 1 mét. Những phách gỗ bị “xẻ thịt” chưa kịp chuyển đi nằm ngổn ngang.

vov_rung1_bwca.jpg
Cây cổ thụ bị đốn nằm chỏng chơ.

Vụ phá rừng này cùng với các vụ phá rừng ở xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước, vụ phá rừng pơ mu khu vực biên giới thuộc địa bàn huyện Nam Giang cho thấy có sự buông lỏng trong công tác quản lý bảo vệ rừng của ngành chức năng và chính quyền các địa phương ở tỉnh Quảng Nam.

Khu vực xảy ra phá rừng thuộc địa bàn quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Kôn, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam. Phải mất hơn 2 tiếng đồng hồ lội bộ đường rừng mới đến được nơi này.

Nhiều cây gỗ đường kính cả mét.

Tại đây, nhiều phách gỗ được các đối tượng khai thác trái phép tập kết tại một chòi nhỏ bên đường liên xã, nối xã Jơ Ngây với xã Za Hung, huyện Đông Giang. Từ đây vào khu vực rừng già, nơi khu rừng phòng hộ bị tàn phá nghiêm trọng không xa. Ghi nhận tại hiện trường, nhiều gốc cây lớn còn nguyên chưa kịp xẻ thành phách, đường kính từ 1,2 - 1,5 m, dài từ 8 - 10 m. Xung quanh còn ngổn ngang những phách gỗ, bìa gỗ và mùn cưa. Khu vực này đã được giao khoán cho dân quản lý. Trách nhiệm của kiểm lâm viên là kiểm tra mỗi tháng 1 lần.

Ông Phan Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện đang chỉ đạo lực lượng kiểm tra hiện trường, đồng thời phối hợp với công an để xác minh đối tượng phá rừng.

Nhiều khu vực đã bị phá từ lâu nhưng kiểm lâm không hay biết.

Tình trạng khai thác gỗ ở đây xảy ra từ nhiều năm nay, người dân từng phản ánh cơ quan chức năng nhưng tình trạng phá rừng vẫn không được ngăn chặn.

Theo ông Đinh Văn Hươm, Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam, khu vực rừng bị tàn phá thuộc trách nhiệm của Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Kôn, nhưng lâu nay công tác quản lý của đơn vị này có vấn đề? Vụ phá rừng phòng hộ vừa xảy ra cho thấy sự buông lỏng quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Kôn.

Trước đó, ngày 8/3, lực lượng Công an huyện Đông Giang bắt quả tang nhóm người đang cưa xẻ gỗ trái phép tại 2 Tiểu khu 40 và Tiểu khu 141, thuộc địa bàn 2 xã Jơ Ngây và Tà Lu. Cụ thể, tại Tiểu khu 40, các đối tượng khai thác gỗ trái phép tại khoảnh 8, 10 và 11, còn tại Tiểu khu 141, các đối tượng phá rừng tại khu vực khoảnh 1, 3 và 9, thuộc BQL rừng phòng hộ Sông Kôn quản lý. Các đối tượng đã chặt hạ hàng chục cây gỗ chò, sơn đào, trám, chuồng rồi xẻ thành phách đưa đi tiêu thụ.

Những phách gỗ còn nằm trong rừng.

Chiều nay (29/3), trả lời câu hỏi của phóng viên VOV liên quan đến vụ phá rừng này, ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin, tỉnh đã chỉ đạo Chi cục kiểm lâm tỉnh Quảng Nam phối hợp với UBND huyện Đông Giang báo cáo vụ việc, đồng thời tiến hành kiểm tra hiện trường vụ phá rừng và  làm việc với các cơ quan chức năng để chỉ đạo xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

"Từ ngày 8/1/2018, công an huyện Đông Giang đã lập chuyên án điều tra vụ vận chuyển lâm sản trái phép. Đến ngày 8/3, Công an huyện Đông Giang đã mai phục bắt được 5 đối tượng. Khu vực là tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông K ôn. Quảng Nam có 13 rừng phòng hộ, với hơn 410.000 ha rừng tự nhiên. Diện tích rất lớn, Ban Quản lý thì biên chế, quy mô được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho phép nên chỉ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát", ông Toàn cho hay./.