Tâm huyết lớn nhất của thầy giáo trẻ là ngày càng nhiều học sinh vùng cao biên giới tốt nghiệp Đại học và nuôi dưỡng khát vọng xây dựng quê hương.

Thầy Pơloong Đíp chia sẻ về hoàn cảnh của mình:“Hoàn cảnh càng khó mình càng phải cố gắng vì khi có kiến thức, có trình độ thì mình đi đâu cũng được. Chúng ta phải biết xấu hổ”.

Thầy giáo Pơloong Đíp, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú, Tiểu học và Trung học cơ sở xã Ch’ Ơm, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam bắt đầu buổi học với những lời động viên học sinh nỗ lực vượt khó học tập. Lớp học này được thầy Đíp tổ chức ngoài giờ học chính dành riêng cho 10 học sinh người Cơ Tu hoàn cảnh đặc biệt. Gắn bó sâu sắc và gần gũi với từng em học sinh, thầy Pơloong Đíp hiểu rõ mỗi học sinh là mảnh đời khó khăn. Nhiều em cha, mẹ mất sớm, không được quan tâm, chăm sóc như bạn bè cùng trang lứa nên tính tình ương ngạnh.

Em Hối Vi Vu, lớp 8, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú, Tiểu học và Trung học cơ sở xã Ch’ Ơm, huyện Tây Giang từng 2 lần bỏ học. Lần đầu em bỏ học do buồn chán vì mẹ qua đời, lần thứ 2, Vu bỏ học vì gia đình quá khó khăn. Mỗi lần như thế, thầy Pơloong Đíp lặn lội nhiều cây số đường rừng, đến tận nhà để gặp, khuyên nhủ và động viên Hối Vi Vu đến trường.

Hối Vi Vu cho biết, thấy thầy giáo vất vả, tận tụy, khuyên răn nên em trở lại trường. Sau này, dù bất kỳ hoàn cảnh nào, em cũng quyết tâm không bỏ dở việc học, không muốn phụ công sức và tấm lòng của thầy Đíp dành cho mình.

“Gia đình con khó khăn quá, mẹ mất nên con đành bỏ học, may mà sau đó thầy Đíp đã động viên con đi học. Thầy con mua cả chăn, màn cho con. Con cảm ơn thầy Đíp rất nhiều”, Vu kể.

Trường Phổ thông Dân tộc bán trú, Tiểu học và Trung học cơ sở xã Ch’ Ơm, huyện Tây Giang có 13 lớp với 164 học sinh khối tiểu học, 155 học sinh khối trung học cơ sở, đa số là con em đồng bào các dân tộc thiểu số nơi vùng cao biên giới. Ngoài điểm trường chính, nhà trường còn tổ chức dạy học các lớp ghép tại các điểm trường ở thôn bản xa xôi.

Thầy Pơloong Đíp nhớ lại, vào mùa mưa lũ, để đến được điểm trường xa, thầy và trò phải lội bộ qua nhiều sông, suối. Cuối năm 2020, thầy Đíp còn công tác ở Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Lý Tự Trọng, xã A Xan, huyện Tây Giang.

Sau trận mưa lũ kéo dài, đất đá từ trên cao bất ngờ đổ xuống tràn vào khu nội trú, thầy và trò hô hoán để di tản đến nơi an toàn. Nhiều em học sinh không chạy kịp, bị bùn đất lấp ngang ngực, thầy Đíp đã kịp thời lao vào khu vực nguy hiểm cứu 10 em học sinh thoát chết. Thầy Pơloong Đíp chia sẻ, dạy học nơi vùng cao biên giới, ngoài thiếu thốn về điều kiện cơ sở vật chất, các thầy cô giáo còn đối mặt với bao khó khăn do còn nhiều hủ tục ở địa phương.

“Có năm ở đây xảy ra 7 trường hợp phụ huynh tự tử, 3 trường hợp phụ huynh qua đời. Tôi thấy mình là người con quê hương nên phải cố gắng làm hết sức mình dù lúc đó chưa có chế độ gì hết, chế độ bán trú cho học sinh cũng chưa có. Khi cha mẹ mất, các học sinh bỏ học hết, tôi thấy vậy nên báo cáo lãnh đạo để đến các xã vùng cao. Không có xe nên tôi đi bộ, tự bỏ chi phí để đi đến từng nhà, động viên, may mà sau đó các em học sinh đã trở lại lớp học”, thầy Pơloong Đíp nhớ lại.

Mỗi ngày đứng trên bục giảng, thầy Pơloong Đíp luôn tự hào chia sẻ với học sinh mình là người mang 2 dòng máu Việt – Lào và là người có bằng Đại học chính quy đầu tiên ở khu vực biên giới huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế loại xuất sắc và được kết nạp vào Đảng khi đang là sinh viên, Đíp có nhiều cơ hội được giảng dạy tại các trường có điều kiện tốt ở đồng bằng nhưng thầy giáo trẻ lại quyết định làm đơn xin về lại bản làng vùng cao nơi biên giới xa xôi.

 Suốt thời gian công tác, thầy Pơloong Đíp luôn nỗ lực cải thiện chất lượng giáo dục nơi đây. Một thư viện nhỏ do thầy thành lập từ nguồn vận động và tiền cá nhân đã giúp học sinh đồng bào thiểu số đến với đam mê đọc sách. Nhiều chương trình khuyến học, giúp đỡ học sinh khó khăn đã được thầy Đíp phát động và duy trì nhiều năm qua.

Cũng chính thầy giáo này đã tiên phong hiến đất và động viên người dân địa phương cùng hiến đất để xây dựng điểm trường mới. Trong đợt mưa lũ đầu tháng 11, nhiều thầy cô giáo không thể về nhà, thầy Pơloong Đíp đã tự nguyện nhường cả căn nhà của mình làm khu nội trú.

Thầy Nguyễn Đông Vũ, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú, Tiểu học và Trung học cơ sở xã Ch’ Ơm, huyện Tây Giang cho biết, trước đây tình trạng tảo hôn trên địa bàn biên giới diễn ra khá phổ biến. Nhiều học sinh đang học ở trường, vài tháng sau lấy chồng, bỏ học. Trong một thời gian dài, thầy Pơloong Đíp đã kiên trì tuyên truyền phụ huynh về hậu quả nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, đến nay những hủ tục này dần được xóa bỏ.

“Thầy Pơloong Đíp phải nói là một tấm gương tiêu biểu về nhà giáo ở huyện Tây Giang này. Ra trường với tấm bằng Đại học chính quy loại xuất sắc nhưng tự nguyện về lại địa phương cống hiến. Trong thời gian hơn 10 năm công tác thầy Đíp luôn là thầy giáo tiêu biểu”, thầy Vũ nói.

Nhiều năm trước, rất khó để có một học sinh học đến cấp III ở vùng cao biên giới này. Vậy mà năm học này, riêng học trò của thầy Pơloong Đíp có đến 7 em tốt nghiệp Đại học. Giờ đây, điều mà thầy Đíp tự hào nhất là mảnh đất vùng cao biên giới này đã có nhiều cử nhân Đại học. Những ngày giữa tháng 11 này, thời tiết vùng cao chuyển lạnh, trên những cung đường lầy lội, trơn trợt, đôi chân thầy giáo trẻ vẫn mãi miết hướng về những điểm trường xa xôi để tiếp tục nuôi chí học hành cho học sinh nơi biên giới Việt – Lào./.