Căn cứ tình hình thực tế và đảm bảo quyền lợi tối đa cho các thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 của cả hai đợt, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã lùi tối đa 7 ngày so với lịch đã công bố đối với đợt 1 xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Theo đó, tất cả thí sinh xét tuyển vào ĐH-CĐ bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT có thể cùng điều chỉnh nguyện vọng từ ngày 19-25/9/2020 bằng hình thức trực tuyến và từ ngày 19-27/9/2020 bằng phiếu trực tiếp.

Với việc lùi thời gian điều chỉnh nguyện vọng và xét tuyển như trên, quy trình tổ chức điều chỉnh nguyện vọng và tổ chức xét tuyển, lọc ảo trong toàn hệ thống vẫn sẽ giữ nguyên như năm 2019. Theo Quy chế tuyển sinh, các thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Như vậy, việc tổ chức điều chỉnh nguyện vọng chung cho cả 2 đợt thi sẽ cho phép thí sinh đợt 2 được cùng tham gia điều chỉnh nguyện vọng cùng với thí sinh thi đợt 1. Điều này rất quan trọng với các thí sinh chuẩn bị thi đợt 2, các em sẽ không có tâm lý bị “nằm ngoài” hệ thống, cùng được xét tuyển, điều chỉnh nguyện vọng một cách công bằng.

Giải pháp này cũng góp phần giữ ổn định toàn hệ thống, giúp các cơ sở đào tạo chủ động xác định được nguồn tuyển (số lượng nguyện vọng ĐKXT) để lựa chọn được phương án tuyển sinh phù hợp đảm bảo thực hiện được ngay toàn bộ chỉ tiêu tuyển sinh do nhà trường đã xác định và công bố công khai trong Đề án Tuyển sinh của trường.

Đến nay, nhiều trường Đại học điều chỉnh đề án tuyển sinh năm 2020 theo hướng tăng chỉ tiêu xét tuyển phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT 2020 do thí sinh nhập học các phương thức khác không đạt như dự kiến. Tuy nhiên, điểm sàn xét tuyển của một số chuyên ngành có thể cao hơn 1-2 điểm.

Theo ghi nhận tại các cơ sở đào tạo tại TP HCM, nhiều trường đại học đã tăng thêm 20-30% chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Trong đó, Trường Đại học Kinh tế TP HCM đến nay đã tuyển được khoảng 60% chỉ tiêu, còn lại 40% cho xét điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT (khoảng 2.200 chỉ tiêu), tăng từ 10 - 30% so với đề án tuyển sinh ban đầu. Trường ĐH Giao thông vận tải TP HCM, Trường Đại học Mở TP HCM và ĐH Kiến trúc TP HCM cũng còn khoảng lần lượt 70% và 80% chỉ tiêu cho phương án tuyển sinh này… Với Trường ĐH Bách khoa TP HCM, chỉ tiêu còn lại cho phương xét thức điểm thi tốt nghiệp là khoảng 60%, tương đương 3.000 thí sinh.

Thời điểm này, sau khi biết điểm thi và điểm sàn, dự đoán điểm chuẩn của nhiều trường đại học, không ít thí sinh đang băn khoăn về việc điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển sao cho khả năng trúng tuyển vào ngành, trường yêu thích cao nhất.

Mỗi thí sinh chỉ được điều chỉnh nguyện vọng 1 lần bằng 1 trong 2 phương thức trực tiếp và trực tuyến. Thí sinh điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển trực tuyến có thể thay đổi tất cả các nguyện vọng cũ bằng các nguyện vọng mới nhưng số lượng nguyện vọng không được tăng thêm. Thí sinh muốn đăng ký thêm nguyện vọng phải điều chỉnh trực tiếp bằng phiếu.

GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết, thí sinh cần suy nghĩ kỹ lưỡng để quyết định có nên thay đổi nguyện vọng hay không. “Các em cần căn cứ vào sở thích, đam mê của bản thân, tham khảo ý kiến từ gia đình, thầy cô, nhưng cũng phải dựa trên dữ liệu tuyển sinh những năm học trước của các trường có nguyện vọng xét tuyển. Nếu thấy mức điểm của mình tương đối ổn, đúng ngành yêu thích thì không cần thay đổi”, thầy Tuấn lưu ý.

Tư vấn cách điều chỉnh nguyện vọng để tăng khả năng trúng tuyển, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP HCM cho rằng, do điểm thi năm nay cao, dự đoán những trường top trên sẽ có điểm chuẩn rất cao. Điều này ảnh hưởng đến dòng chảy thí sinh giữa các trường.

“Đợt xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay đầy rủi ro và tiềm ẩn nguy cơ, khi điểm thi của thí sinh rất cao. Nguyên nhân do nhiều em đạt điểm cao thường có tâm lý chủ quan với điểm số của mình, có xu hướng đăng ký vào những trường top trên và thường chọn rất ít nguyện vọng. Nếu năm nay, các em làm như vậy, sẽ rất khó lường vì điểm cao chung”, thầy Dũng nói./.