Hơn 10 năm nay, 45 hộ ở xã Vũ Chính, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình gửi hàng trăm lượt đơn và hàng chục lượt khiếu kiện đông người lên Trung ương đề nghị giải quyết tranh chấp đất đai.
Họ nhận được nhiều lời hứa, nhưng vụ việc vẫn “dậm chân tại chỗ”. Khu đất tranh chấp hiện đang là “điểm nghẽn” của đường vành đai đã hoàn thiện nhiều năm nhưng chưa thể khai thác, gây lãng phí nhiều tỉ đồng.
Do chính quyền tỉnh Thái Bình “né” giải quyết khiếu nại, cho nên con đường nhiều tỉ bỏ hoang bao năm nay. |
Thu hồi “sổ đỏ” không thu hồi đất là sai luật!
Cuối năm 2004, lãnh đạo thôn và xã vận động 45 hộ dân ở thôn Lạc Chính, xã Vũ Chính chuyển nhượng gần 30.300m2 đất hai lúa cho ông Nguyễn Dương Quân ở phường Đề Thám, TP Thái Bình để làm dự án “trồng rau sạch”. Thời hạn chuyển nhượng 8 năm với giá 1 triệu đồng/ sào.
Đầu năm 2005, ông này được UBND TP Thái Bình cấp 68 GCNQSDĐ (sổ đỏ) và nhận bàn giao đất.
Thấy ông Quân không trồng rau sạch mà đào ao, xây dựng nhà xưởng, san nền, trồng cây cảnh… các hộ dân đã phản ánh tới chính quyền, đồng thời đề nghị thu hồi đất, trả lại cho họ canh tác.
Người dân bức xúc trình bày với nhà báo. |
Sau khi kiểm tra vụ việc, ngày 28/5/2009 UBND TP Thái Bình có Kết luận số 14/KL-UBND chỉ rõ những sai phạm của ông Nguyễn Dương Quân và ngày 06/8/2009 thu hồi 68 “sổ đỏ” mang tên ông này.
Nhưng, UBND TP Thái Bình đã không đồng thời ký quyết định thu hồi toàn bộ diện tích gần 30.300m2 đất mang tên ông Quân, nên ông này vẫn mặc nhiên sử dụng từ 2005 đến nay.
Đơn của dân: “Dưới đẩy lên, trên đẩy về”
Hàng chục kg đơn của các hộ dân gửi lên TP, lên tỉnh, lên Trung ương, tới các bộ, ngành; hàng chục văn bản của các cơ quan Trung ương chuyển về Thái Bình yêu cầu giải quyết, nhưng đơn của họ vẫn theo đúng quy trình “dưới chuyển lên, trên đẩy về”.
Tại buổi làm việc với UBND TP Thái Bình, khi phóng viên VOV hỏi: “Vì sao UBND TP không ra quyết định thu hồi đất nông nghiệp đã chuyển nhượng trái pháp luật và không đúng đối tượng theo Điều 38, Luật Đất đai 2003?” Ông Nguyễn Văn Đức, Trưởng phòng TN&MT lặng im hồi lâu, rồi mới nhỏ nhẹ: “Đất này không thuộc trường hợp bị thu hồi theo điều luật đó”?
Các hộ dân ở VŨ Chính cung cấp thông tin cho nhà báo. |
Phóng viên đặt ra các tình huống tương tự, nêu nhiều dẫn chứng, đồng thời đặt tiếp câu hỏi lý do và vai trò của UBND TP Thái Bình trong quản lý đất đai, thì cả Trưởng phòng TN&MT Nguyễn Văn Đức, Chánh Thanh tra TP Vũ Đức Tuấn cùng Phó Chủ tịch UBNDTP Thái Bình - Đinh Gia Dũng đều im lặng, rồi lặp lại câu trả lời: “TP đã hướng dẫn các hộ khởi kiện ra tòa”?
Đường Chu Văn An xong đã lâu nhưng chưa thông tuyến vì còn vướng mắc chưa được giải quyết. |
Qua tìm hiểu được biết, Thành ủy TP Thái Bình đã nhiều lần chỉ đạo UBND TP giải quyết dứt điểm vụ việc theo yêu cầu của UBND tỉnh. Làm việc với phóng viên, Bí thư Thành ủy Thái Bình - Đỗ Đình An khẳng định: “Trước đây TP chưa làm thì đến nay sẽ làm dứt điểm. Nhiệm kỳ trước chưa giải quyết thì nhiệm kỳ này phải giải quyết cho dân theo đúng pháp luật”.
Nói là vậy, chỉ đạo là thế, nhưng đến nay sự việc vẫn rơi vào im lặng.
Đừng để dân viết “Đơn xin tự xử”!
Bà Nguyễn Thị Nguyệt, đại diện 45 hộ cho hay: “Chúng tôi đã 8 lần lên Trung ương; trên 40 lượt lên tỉnh, lên TP. Lần nào lãnh đạo cấp ủy, chính quyền cũng hứa. Nhưng từ nhiệm kỳ này sang nhiệm kỳ khác, không ai chịu giải quyết. Nếu không dứt điểm, chúng tôi sẽ viết đơn xin tự xử”.
Khu đất tranh chấp kéo dài 10 năm nay. |
Từ thực tế vụ khiếu kiện này có thể khẳng định: Kể từ tháng 8/2009 ông Quân không còn quyền sử dụng hơn 30.200m2 đất nữa vì đã bị thu hồi “sổ đỏ”. Do UBND TP Thái Bình không có quyết định thu hồi đất; đình chỉ việc sử dụng và yêu cầu ông Quân trả lại mặt bằng nguyên trạng, nên đã xảy ra khiếu kiện kéo dài.
Còn việc UBND TP Thái Bình hướng dẫn 45 hộ khởi kiện ông Quân ra tòa là đã nhầm lẫn quan hệ pháp luật. Bởi lẽ, việc khởi kiện ra tòa chỉ đúng trong trường hợp sau khi chính quyền thu hồi “sổ đỏ” và thu hồi đất mà giữa ông Quân và 45 hộ xảy ra tranh chấp các khoản chi phí đã đầu tư vào đất, tài sản trên đất hoặc số tiền đã giao nhận giữa hai bên. Mặt khác, dân vẫn khiếu nại theo thủ tục hành chính, thì vụ việc do chính quyền giải quyết.
Chỉ vì qua “điểm nghẽn” Vũ Chính mà đường vành đai hàng chục kilomet từ TP Thái Bình đi các huyện phía đông của tỉnh rộng 24 mét, hai làn xe (mang tên Chu Văn An) đã hoàn thành nhiều năm nay vẫn bị … bỏ hoang, lãng phí nhiều tỉ đồng.
Liệu có ai phải chịu trách nhiệm về “điểm nóng” kéo dài gây lãng phí ở Vũ Chính hay không? Còn 45 hộ nông dân kia, họ phải đến bao giờ?
Kỷ luật Bí thư, Phó Chủ tịch xã ở Thái Bình đánh bạc giờ hành chính
Gần 15 tấn chỉ may mặc chưa rõ nguồn gốc bị tạm giữ tại Thái Bình
Tỉnh Thái Bình xin 460 tỉ để “xóa” trạm thu phí BOT Thanh Nê
Đã tìm thấy bé trai 3 tuổi nghi bị bắt cóc ở Thái Bình
Gần 4.000 tỷ đồng xây dựng tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình