Tại hội nghị, nhiều kết quả được làm rõ trong hoạt động phối hợp giữa hai bên. Nhất là công tác đảm bảo an ninh, an toàn trên biển, ngăn chặn các hành vi đánh bắt bấp hợp pháp, hướng tới một nghề cá có trách nhiệm và phát triển bền vững. Trong năm 2020 và 2021, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã tổng hợp 12 bản thông báo tháng về tình hình tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài gửi cho Tổng cục Thủy sản và chính quyền địa phương để xử lý, có biện pháp tăng cường quản lý và tuyên truyền giáo dục đối với các tàu cá vi phạm theo quy định pháp luật.
Tổng cục Thủy sản đã cung cấp 6 tài khoản giám sát hành trình, phục vụ công tác theo dõi, nắm tình hình tàu cá Việt Nam. Trong hoạt động phối hợp phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, Lực lượng Cảnh sát biển đã yêu cầu hơn 800 lượt tàu cá Trung Quốc đánh bắt vi phạm ra khỏi vùng biển Việt Nam. Sử dụng 21 lượt tàu Cảnh sát biển và 42 tàu Kiểm ngư thực hiện nhiệm vụ tuần tra kiểm soát khu vực giáp ranh đường phân định thềm lục địa Việt Nam - Malaysia, Việt Nam - Thái Lan. Lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính hơn 300 tàu, hơn 400 đối tượng về các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực Thủy sản, với số tiền phạt hơn 2,5 tỷ đồng...
Mặc dù đã đạt được những kết quả bước đầu song do ảnh hưởng của dịch COVID-19 thời gian qua, công tác phối hợp giữa lực lượng Cảnh sát biển và Tổng cục Thủy sản còn tồn tại nhiều khó khăn, một số điều trong quy chế chưa phù hợp với thực tế, cần rà soát lại để điều chỉnh trong giai đoạn tiếp theo.
Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Cục trưởng Cục Kiểm ngư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng: "Sau hai năm xảy ra dịch COVID-19 và thay đổi về tổ chức, nên trong quá trình phối hợp có những thời kỳ kiện toàn lại, công tác phối hợp chưa được thường xuyên. Trong thời gian tới, để thực thi pháp luật Thủy sản, triển khai chống IUU, sẽ có đề xuất quy chế phối hợp mới đáp ứng với tình hình tới"./.