Theo thông tin tại hội thảo, toàn Tây Nguyên hiện có khoảng 3.400 cơ sở kinh doanh buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, trong đó có gần 140 doanh nghiệp, hơn 3.200 hộ kinh doanh, 20 hợp tác xã dịch vụ có kinh doanh thuốc Bảo vệ thực vật. Trong 3 năm từ 2019-2021, cơ quan chức năng tại Tây Nguyên đã thực hiện 58 cuộc thanh kiểm tra gần 2.000 cơ sở kinh doanh, phát hiện hơn 400 đơn vị vi phạm và tiến hành xử phạt.

Công tác quản lý thuốc bảo vệ thực vật ở Tây Nguyên được nhận định là chưa chặt chẽ, việc đấu tranh ngăn chặn buôn bán, vận chuyển, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu, ngoài danh mục trên các địa bàn còn gặp nhiều khó khăn. Ở Tây Nguyên hiện nay cũng không có đơn vị kiểm định chất lượng thuốc BVTV; lực lượng thanh tra chuyên ngành thiếu về số lượng và chưa được tập huấn nghiệp vụ chuyên sâu.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Thái, Phó chánh thanh tra Sở NN-PTNT thôn tỉnh Đắk Nông cho rằng, để nâng cao hiệu quả quản lý thuốc BVTV, cần tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, lực lượng chức năng.

Còn ông Nguyễn Quang Duy, Phó chi cục trưởng Chi Cục trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng cho rằng, cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, tập huấn cho nông dân nhận biết để không mua bán và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cấm, không có tên trong danh mục và hướng dẫn sử dụng an toàn, hiệu quả. Từ đó, góp phần loại bỏ các thuốc này ra khỏi hệ thống phân phối, lưu thông.

 “Việc quản lý vật tư nông nghiệp cảm giác như chúng ta đang làm ở phần ngọn  còn nguồn gốc chưa giải quyết được. Tôi nghĩ chúng ta nên tuyên truyền cho người dân về sản xuất bền vững phải để người dân hiểu được thuốc này sử dụng thuốc này là không. Để làm việc này, tốt nhất thông qua các công ty thực hiện tập huấn phát triển cà phê bền vững, theo dõi sát hướng dẫn người dân. Người dân nào làm sai không mua nữa. Việc này sẽ đánh vào việc sử dụng thuốc BVTV của dân. Dân làm tốt bán thuốc bảo vệ thực vật gian sẽ không còn chỗ bán”./.